Bản văn sách Sáng thế 1, 1-26 ; 2, 7-23 thuật lại cho chúng ta về hai trình thuật sáng tạo. Khởi đầu, Thiên Chúa tạo dựng trời đất và muôn vật trong đó (St 1, 1-25) ; sau đó, Người tạo dựng con người theo hình ảnh của Người và cho làm chủ muôn vật Người đã dựng nên (1, 26 ; 2, 7-23).
1. Thiên Chúa tạo dựng trời đất
a. Thiên Chúa sáng tạo trời đất trong sáu ngày
Câu chuyện Thiên Chúa tạo dựng trời đất trong sáu ngày, đòi hỏi độc giả phải hiểu theo giá trị của nghĩa hình tượng. Bởi một cách rõ ràng, đây là những suy tư thần học về vũ trụ và định mạng con người được diễn tả trong nền văn hoá của thời đại đó.
Việc Thiên Chúa sáng tạo thế giới trong sáu ngày nhằm đề cao ngày thứ bảy. Khuôn mẫu một tuần lễ để trình bày việc tạo dựng như vậy có ý lấy hoạt động của Thiên Chúa làm gương cho công việc của con người, đồng thời đề cao ngày thứ bảy.
b. Nội dung chính yếu muốn nói đến
Nội dung tìm hiểu việc Thiên Chúa sáng tạo thế giới và con người là một phần của thần học tín lý (niềm tin) nhằm diễn tả niềm xác tín của đức tin theo đó, Thiên Chúa là Đấng Sáng tạo và điều khiển thế giới nói chung cùng muôn vật muôn loài. Dĩ nhiên, bằng việc tìm hiểu nội dung sáng tạo của Thiên Chúa nhằm hướng đến một tiến trình sáng tạo của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ con người từ khởi thuỷ cho đến Tân ước và tới ngày cánh chung. Mặt khác, toàn bộ nội dung sáng tạo cho thấy sự xuất hiện của Thiên Chúa Ba Ngôi trong công trình sáng tạo, qua việc nhắm đến cùng tận của công trình đó là công trình của Đức Giêsu dưới tác động của Thần Khí.
c. Ý nghĩa của giáo lý về công trình Sáng tạo
Ý nghĩa của giáo lý về công trình sáng tạo nhằm giúp tìm hiểu mối liên hệ giữa Thiên Chúa và thế giới ; trong khía cạnh hiện sinh, chúng ta tìm hiểu những giá trị chi phối cách cư xử của con người với Thiên Chúa và thế giới.
Quả vậy, việc Thiên Chúa tạo dựng thế giới cho thấy phải là một lời mời gọi con người ngắm nhìn và ca ngợi quyền năng cao cả và lòng chắc ẩn của Thiên Chúa đối với công trình do Người sáng tạo. Ở đây nhắc nhở Thiên Chúa chính là Chủ thế giới, Người là Đấng nắm chủ quyền tuyệt đối trên thế giới và là Đấng sáng tạo tuyệt vời của thế giới, Người là Đấng sáng tạo và điều hành thế giới. Như thế Thiên Chúa có một mối liên hệ nội tại với chính thế giới, tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn ngự một thế giới tuyệt đối siêu việt đối với thế giới. Còn thế giới thì lại ở một dạng khác đối với Thiên Chúa. Thế giới vừa tỏ ra vừa hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa, vừa thực sự tự lập với Thiên Chúa. Điều này nhằm khẳng định rằng, từ nguyên thuỷ, thế giới bắt nguồn từ Thiên Chúa và lúc nào cũng chịu sự chi phối của Thiên Chúa, lúc nào thế giới cũng nằm trong sự lệ thuộc Thiên Chúa ; nhưng vì Thiên Chúa khai triển thế giới để thế giới hiện hữu tự lập, cho nên thế giới sinh hoạt trong thế tự lập đối với Thiên Chúa.
Như vậy, một khi ý thức Thiên Chúa là tác giả và là Đấng điều khiển thế giới, người ta sẽ có một thái độ khác với Thiên Chúa. Đó là một thái độ cung kính, quy phục Đấng Sáng tạo, vì thấy vũ trụ càn khôn được sắp đặt một cách trật tự, hài hoà cùng với những kỳ vĩ của nó mà con người chưa thể hiểu biết hết được. Mặt khác, khi được thụ hưởng các tài nguyên đa dạng phong phú của thế giới, con người tự mình phải hình thành một thái độ biết ơn sâu xa đối với Thiên Chúa, thể hiện qua lời kinh ca ngợi, cảm tạ. Được kinh nghiệm thế nào là quyền năng và đức khôn ngoan của Thiên Chúa tỏ hiện trong các thế lực nguyên sơ và trong cách Thiên Chúa an bài mọi sự trong vũ trụ, con người thấy mình có thể hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa và khi rơi vào cảnh gian truân con người nói lên lòng tin tưởng tín nhiệm đó bằng những lời cầu nguyện van xin.
Tóm lại, Thiên Chúa là Đấng dựng nên muôn loài và sắp đặt trật tự cách khôn ngoan. Người tạo dựng mọi sự tốt đẹp và tạo dựng trong trật tự. Con người sẽ là chóp đỉnh của việc tạo dựng trong công trình của Thiên Chúa. Con người mang hình ảnh Thiên Chúa và được đặt làm chủ muôn loài.
2. Thiên Chúa tạo dựng con người.
Sách Sáng thế kể rằng, sau khi đã tạo dựng vạn vật muôn loài, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa, đồng thời đặt con người làm chủ công trình Chúa sáng tạo.
a. Con người từ bụi đất mà ra
Thiên Chúa đã làm ra con người từ bụi đất và thổi sinh khí vào nó và làm cho nó có sức sống. Việc con người được dựng nên từ bùn đất nhằm cho thấy tính chất yếu hèn và mỏng dòn của thân phận. Nhưng Thiên Chúa lại tạo nên con người và ban cho con người hình ảnh của Người, cho con người được chia sẻ sự sống của Người. Đó chính là những ân huệ khởi đầu mà Thiên Chúa giàu lòng yêu thương tặng ban cho con người.
b. Con người được dựng nên có nam có nữ
Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ. Đây là hai con người độc lập nhưng lại là cùng một xương, một thịt. Cả hai họ đều hướng về nhau và bỏ túc cho nhau. Họ được mời gọi nâng đỡ và yêu thương nhau và trước hết là họ được mời gọi vào việc chăm coi thụ tạo Chúa đã dựng nên.
c. Con người được mời gọi làm chủ vạn vật và tham dự vào đời sống thần linh của Thiên Chúa
Thiên Chúa mời gọi con người tham dự vào việc làm chủ muôn loài Chúa dựng nên, bằng cách cho con người đặt tên cho muôn vật chung quanh mình. Như thế, con người được ban cho quyền làm chủ. Song sự làm chủ này cũng là một mời gọi con người làm chủ chính cuộc sống của mình trong ơn sủng mà Thiên Chúa đã ban cho.
Ngoài ra, Thiên Chúa còn ban cho con người sự sống siêu nhiên và nhiều đặc ân như trí khôn minh mẫn, ý chí hướng thiện, không phải đau khổ và không phải chết.
Trở về trang chính sách giáo lý vào đời: Giáo Lý Vào Đời