I. Ý NGHĨA
Mười điều răn là bản hiến pháp mà Thiên Chúa đã ban cho dân Ítraen, quy định các tương quan với Thiên Chúa và với nhau, nhằm quy tụ và xây dựng một dân thánh chuẩn bị đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Đức Giêsu đã sống và kiện toàn Mười điều răn: Người đã nối kết luật mến Chúa yêu người nên một, và thiết lập giao ước mới vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và con người bằng chính máu của Người trên thập giá.
Hội Thánh tuân giữ Mười điều răn theo tinh thần của Đức Giêsu: không phải để nên công chính, nhưng để nên hoàn thiện như Cha trên trời.
II. CÁC ĐIỀU RĂN
1. Thờ phượng Thiên Chúa
“Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ hết sức anh em”(Đnl 6,5)
Tôn thờ Thiên Chúa là thái độ phải đạo của thụ tạo đối với Đấng Tạo Hoá. Nhưng tội lỗi đã làm lệch lạc thái độ chính đáng ấy nơi con người.
Đức Giêsu đã sữa chữa những thái độ lệch lạc trong việc tôn thờ Thiên Chúa và đặt việc tôn thờ Thiên Chúa vào chính tâm điểm cuộc sống con người.
Việc tôn thờ Thiên Chúa phải đưa con người vào mối tương quan cha con với Thiên Chúa (x. Rm 8,15). Do đó, việc tôn thờ Thiên Chúa phải xuất phát từ nội tâm con người do Chúa Thánh Thần khơi dậy và được thực hiện theo cách thức Đức Giêsu đã dạy.
Điều răn thứ I bao gồm đức tin – cậy – mến. Chúng ta tin tưởng, yêu mến và hy vọng vào Thiên Chúa là Cha của chúng ta và đặt Người ở vị trí tối thượng trong cuộc sống của chúng ta.
Lỗi phạm đến điều răn thứ I là thái độ nghịch lại đức tin – cậy – mến. Đó là thái độ phỉ báng Thiên Chúa, thất vọng và tự phụ (tự mãn về mình hay quá ỷ lại vào lòng thương xót của Thiên Chúa).
2. Kêu cầu Danh Thiên Chúa
Thiên Chúa đã mặc khải danh của Người cho Môsê: “Ta là Đấng Tự Hữu” (Xh 3,14).
“Danh” (tên) của ai thì chỉ chính người đó. Tôn kính danh của ai là tôn kính chính người ấy. Chúng ta tôn thờ Thiên Chúa thì phải tôn kính Danh của Người. Do đó, việc kêu cầu Danh Chúa phải thấm nhuần lòng tin tưởng bên trong và biểu lộ bằng sự tôn kính ở bên ngoài.
Vì vậy, điều răn thứ II cấm mọi lời nói xúc phạm đến Danh Chúa, kêu cầu Danh Chúa một cách khiếm nhã, vô cớ, và càng không thể lấy Danh Chúa để thề gian, nại đến Danh Chúa để làm chứng cho lời dối trá, đây là một trọng tội.
3. Chúa Nhật
Chúa Nhật được đặc biệt dàng riêng để tôn thờ Thiên Chúa và nghỉ ngơi.
Chúa Nhật còn là ngày mừng kính Đức Giêsu sống lại từ cõi chết.
Chúa Nhật là thời than nghỉ ngơi để chăm lo phát triển nhân cách, đời sống gia đình và xã hội.
Vì vậy, hoa trái của Chúa Nhật là niềm vui. Người Kitô hữu phải sống vui vì mừng Chúa sống lại, vui vì gia đình sum họp, vui vì được gặp gỡ bạn bè, vui vì được nghỉ ngơi và giải trí sau một tuần làm việc căng thẳng.
4. Sống hiếu thảo
Vì được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa là Tình Yêu, nên con người sống không thể thiếu tình thương. Vì vậy, Thiên Chúa đã trù liệu để con người được sinh ra và lớn lên trong một gia đình. Gia đình là nơi đầu tiên con người được đón nhận tình yêu thương và học biết cách yêu thương người khác.
Hiếu thảo với cha mẹ:
– là tình cảm tự nhiên chân thật phát xuất từ tương quan huyết nhục: “Hãy nhớ rằng: nhờ các ngài, con đã được sinh ra. Sao con báo đền được điều các ngài đã làm cho con”.
– Lòng kính yêu ấy bắt nguồn từ lòng kính sợ Thiên Chúa: “Hỡi kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa”.
Sống hiếu thảo:
– là sống khôn ngoan: “Người con ngoan thì mến lời cha quở mắng, đứa ngạo nghễ thì không nghe lời răn dạy”.
– là phụng dưỡng cha mẹ lúc già yếu, nâng đỡ tinh thần lúc ốm đau, cô đơn.
5. Tôn trọng sự sống
Sự sống con người thì cao quý và linh thánh vì nó bắt nguồn từ Thiên Chúa ; là ân huệ Chúa ban cho con người.
Yêu mến Thiên Chúa thì phải yêu mến sự sống Người đã ban cho ta, yêu tha nhân là yêu sự sống con người nơi họ.
Từ đó, một nguyên tắc mà mọi người phải tôn trọng là:
Không ai được vi phạm sự sống của mình và của người khác vì chỉ mình Chúa mới là chủ tuyệt đối của sự sống.
Trừ trường hợp tự vệ chính đáng để bảo vệ sự sống của chính mình.
Mọi người được mời gọi tôn trọng và yêu mến sự sống của chính mình và của tha nhân.
Tuy nhiên, sự sống của con người chỉ có giá trị tương đối. Thiên Chúa mới là chủ tuyệt đối. Do đó, việc “tôn thờ thân xác” là một thái độ lệch lạc, đảo lộn giá trị.
Sự sống của thân xác thì cao quý, song nó cũng được mời gọi để “hy sinh tính mạng vì bạn hữu”, như Đức Giêsu đã làm.
6. Sống trong sạch (bao gồm điều răn thứ 6 và 9)
Thánh Kinh nói: Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của mình. Hình ảnh Thiên Chúa nơi con người là nền tảng phẩm giá của người nam và người nữ. Song nam và nữ lại là hai giới tính khác nhau, nhưng bổ sung cho nhau. Đây là ý định của Chúa.
Giới tính ảnh hưởng trên toàn bộ con người, cả xác và hồn. Nó liên quan đặc biệt đến đời sống tình cảm và khả năng yêu thương và truyền sinh, nói chung mọi tương quan với người khác.
Mỗi người phải nhìn nhận và đón nhận giới tính của mình như một ơn gọi mà Thiên Chúa đặt để.
Sống trong sạch (khiết tịnh) là làm chủ phái tính của mình, để sống như một con người, và nhất là con Chúa. Người ta sẽ luôn phải chọn lựa: hoặc làm chủ các đam mê và được sống an vui ; hoặc nô lệ chúng và trở nên bất hạnh.
Muốn làm chủ bản thân, chúng ta phải biết sống điều độ, nghĩa là dùng lý trí để hướng dẫn các đam mê và thèm muốn giác quan của con người. Để có được nếp sống điều độ, ta phải luyện tập công phu và lâu dài. Ngày qua ngày, con người điều độ và khiết tịnh được hình thành bằng nhiều chọn lựa tự do. Nhờ đó, ta có thể nhận biết, yêu mến và chu toàn những điều thiện luân lý trong cuộc sống thường ngày.
7. Sống công bình
Thiên Chúa đã giao cho con người quyền làm chủ vũ trụ vạn vật, nghĩa là quyền cai quản và hưởng dùng những điều kiện cần thiết để sống xứng hợp với nhân phẩm và hoàn thành ơn gọi của mình. Đó là nền tảng của mọi quyền lợi và nghĩa vụ của đức công bình. Mỗi người phải có trách nhiệm thi hành đức công bình Đức Giêsu mời gọi chúng ta cư xử với nhau hơn cả lẽ công bằng “mắt đền mắt, răng đền răng”, đó là sống đức ái ; sống quảng đại với nhau như anh em một nhà ; ai muốn lấy áo trong thì cho họ luôn cả áo ngoài (x. Mt 5,40) ; chúng ta đã lãnh nhận cách nhưng không thì cũng hãy cho nhưng không ; quan tâm đến nhu cầu và lợi ích của người khác.
Lỗi phạm đến đức công bình:
– trộm cắp của người khác, lấy của chung làm của riêng
– không giúp đỡ người túng cực khi ta có điều kiện Lỗi phạm đến đức công bằng đòi buộc ta phải hoàn trả.
8. Tôn trọng sự thật
Ta phải tôn trọng sự thật vì Thiên Chúa là Đấng Chân thật và thấu suốt mọi sự. Thiên Chúa muốn chúng ta phải sống chân thật, vì sự thật rất cần cho đời sống chung.
– sự thật giúp ta sống tự do và bình an
– làm cho mọi người tín nhiệm và liên đới với nhau, đây là nền tảng xây dựng một cộng đoàn.
– làm tăng thêm uy tín và danh dự cho bản thân.
Đức Giêsu đã nói: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 4,16)
Người môn đệ của Đức Giêsu phải sống chân thật. Ai sống theo sự thật thì người ấy làm chứng cho Đức Giêsu là sự thật.
Tuy nhiên, trong thực tế, không phải mọi sự thật đều được phép nói, có những sự thật cần phải giữ kín do chức năng hay do nghiệp hoặc vì người khác không đủ tư cách hay không có thẩm quyền biết.
Mỗi người cần phải giữ sự dè dặt đúng mức đối với đời tư của người khác.
================Kết Thúc Sách Giáo Lý Vào Đời================
Trở về trang chính sách giáo lý vào đời: Giáo Lý Vào Đời
xin phep duoc hoi .toi theo dao phat, gio toi muon theo dao cong giao co duoc khong a ? neu duoc thi toi phai lam nhung gi truoc. va cac buoc nhu the nao a.?
Ban xem qua bai nay nha: https://www.conggiao.org/lam-the-nao-de-vao-dao-cong-giao/
Rất hay, rất bổ ích và ý nghĩa