Các Tổ Phụ Trong Israel | CôngGiáo.org
≡ Menu

Các Tổ Phụ Trong Israel

Lịch sử Dân Thiên Chúa bắt đầu bước sang trang mới khi Thiên Chúa thực hiện ý định yêu thương của Người qua việc chọn một số người trở thành tổ phụ của dân sắp được thiết lập này.

1. Abraham, cha của những kẻ tin

Kinh thánh thuật lại việc Thiên Chúa chọn Abram, bằng cách gọi ông ra khỏi miền đất mà ông đang cư ngụ đến miền đất mà Chúa sẽ chỉ cho ông; đồng thời Người cũng đã đổi tên cho Abram bằng một tên mới là Abraham (St 17, 5). Với tên mới này, từ nay Abraham mang trong mình một tương lai mới đó là ông sẽ trở thành “cha của vô số các dân tộc” (St 17, 5-7).

Thiên Chúa đã gỏ lời với ông Abraham và ông đã lắng nghe tiếng gọi của Người. Ông đã tin mà không tính toán. Ông một mực phó thác vào Thiên Chúa, và bước đi dưới sự dẫn dắt của Thiên Chúa. Chính vì thế, cho đến mãi sau, ông vẫn được gọi là cha của những kẻ tin.

Chuyện Thiên Chúa gọi ông Abraham gợi lên hai khía cạnh của vấn đề:

– Thiên Chúa gỏ lời với Abraham (tượng trưng như một lệnh truyền): Chúa muốn ông rời bỏ quê hương, nơi ông Abraham và cha ông của ông đã cư ngụ, để đi đến một nơi Chúa sẽ chỉ cho ông (một nơi chưa xác định).

– Thiên Chúa trao cho ông một lời hứa: Thiên Chúa chúc lành và hứa ban cho ông một dòng dõi đông đúc.

Tóm lại Abraham vâng lời Chúa rời bỏ quê hương, họ hàng và dấn thân vào bước đường phiêu lưu mà không biết đi đâu. Tương lai của ông và gia đình xem ra như mù mịt. Thiên Chúa hứa cho ông có một người con nối dõi, nhưng khi người con vừa mới lớn, Chúa lại muốn ông đem con sát tế dâng cho Chúa. Ông đã làm gì? Ông đã hành động như lời Chúa nói. Bởi vì ông đã tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng Chân Thật. Và niềm tin trọn vẹn của ông vào Thiên Chúa đã làm cho ông được rạng rỡ.

2. Các tổ phụ sau Abraham

Kinh thánh nói đến hai vị tổ phụ sau Abraham là: Isaac và Giacop thuộc dòng dõi ông Abraham22.

a. Isaac

Ông được coi như một “kẻ bị hy sinh”, bởi chính ông cũng đã từng được coi là hiến tế dâng lên Chúa. Ông là người con của “lời hứa”, của phép lạ. Và như thế, suốt đời ông có những đau khổ xảy đến. Kinh thánh không nói nhiều về ông ngoài việc cho thấy ông ẩn sau cha mình và cuối cùng là trở thành một người cha như cha của mình vậy. Ông trở thành cha của Giacóp. Tuy nhiên, điều cho thấy nơi con người của Isaac đó là hành động của Thiên Chúa. Thiên Chúa tín trung vẫn trung thành trong lời hứa với Abraham và với ý định của Người.

b. Giacóp

Ông được coi là một kẻ “lanh lợi”. Thiên Chúa đã chọn ông. Thái độ của Giacóp đối với Thiên Chúa vẫn còn tính đơn sơ và vụ lợi nhưng chân thành. Cuộc đời của Giacóp trải qua nhiều thử thách tựa như những cuộc thanh luyện để có thể gần gũi với Thiên Chúa. Cuộc trải nghiệm cuối cùng của ông là cuộc vật lộn với Thiên Chúa mà ông muốn cưỡng lại. Ông đòi Thiên Chúa phải biểu dương sức mạnh. Ông được đổi tên thành Israel cũng trong ý nghĩa mới mẻ đó.

Tóm lại hình ảnh các tổ phụ trong lịch sử cứu độ cho chúng ta điều gì? Chính từ nơi các ngài, chúng ta được chứng kiến những mẫu gương của niềm tin vào Thiên Chúa. Abraham được mệnh danh là cha của kẻ có lòng tin vào Thiên Chúa. Và mãi sau này, ông vẫn được mệnh danh là như thế. Các tổ phụ khác cũng vậy, dù mỗi người có một khía cạnh khác nhau, nhưng tất cả đều thể hiện một sự vâng phục Thiên Chúa ; tất cả đều bằng lòng mất tính mạng và bằng lòng phục tùng Thiên Chúa, để Ngài dẫn dắt cuộc đời mình. Và tất cả đều thể hiện một lòng nhiệt thành với ý định của Thiên Chúa.

Như vậy, cuộc sống của người Kitô hữu cũng được mời gọi phó hiến tất cả đời mình vào Thiên Chúa, chấp nhận để Ngài hướng dẫn và trung thành thực hành ý định của Ngài.

Dĩ nhiên, điểm đặc biệt ở đây cho thấy, Thiên Chúa nhân lành đã luôn nhớ đến những gì Ngài đã hứa với kẻ Ngài tuyển chọn. Ngài luôn tín trung và nhớ đến những lời giao ước.


22 Dĩ nhiên cũng phải kể Esau vào hàng ngũ những tổ phụ chung. Hoặc cũng có thể nói Giuse là một trong những tổ phụ khác trong hàng ngũ Israel.


 
Trở về trang chính sách giáo lý vào đời: Giáo Lý Vào Đời

{ 0 comments… add one }

Leave a Comment