Chương 8: Sống Tận Hiến Giữa Đời Trong Tương Quan Với Giáo Hội | CôngGiáo.org
≡ Menu

Chương 8: Sống Tận Hiến Giữa Đời Trong Tương Quan Với Giáo Hội

Mọi tín hữu qua Bí tích rửa tội, sống hẳn trong lòng Giáo hội, là thành viên của tổ chức thần thánh đó, là chủ thể của nhiệm thể Đức Kitô. Người tận hiến khấn giữ ba lời khuyên phúc âm, cũng sống trong lòng Giáo hội với tất cả tư cách nói trên, nhưng một cách đặc biệt hơn, thân mật thân khít hơn, lý do là: sống tận hiến, họ sống như Đức Kitô đã sống. Như vậy, đời của họ rập mẫu và lồng khít vào đời sống Đức Kitô. Nói khác đi, người sống tận hiến nói chung và sống tận hiến giữa đời nói riêng, có một tương quan hết sức đặc biệt với Giáo Hội. Mối tương quan này có hai khía cạnh, tương ứng với hài khía cạnh mầu nhiệm Giáo Hội, đó là: Mối tương quan thần học và mối tương quan pháp lý.

I. MOI TƯƠNG QUAN THẦN HỌC VỚI GIÁO HỘI:

Sống đời tận hiến mang theo một chức năng đặc biệt trong Giáo hội, làm nổi bật một số đặc điểm của Giáo hội. Như vậy ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính: “ Tôi tin có Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Ở đây, ta đem ra ánh sáng hai đặc điểm có liên quan mật thiết với đời tận hiến trong Tu viện hay ngoài đời, và một đặc điểm khác, cũng thuộc bản chất Giáo hội, mặc dầu không ghi trong kinh Tin Kính, đó là đặc điểm cánh chung.

1. Đời tận hiến bộc lộ sự thánh thiện của Giáo hội:

Giáo hội thánh thiện theo hai quan điểm: sự thánh thiện khách quan chủ động, và sự thánh thiện chủ quan hay thụ động:

a. Sự thánh thiện chủ động tức là việc thánh hoá, làm cho người ta nên thánh, và ta có: chính Đức Kitô là Thánh, nghĩa là Người là Đấng Sáng Lập và thánh hoá Giáo hội, luôn ở với, trong và tác động trên Giáo hội (Ga 10,36; Cv 13,34); Phúc âm Người trao cho Giáo hội là thánh; chân lý và lề luật Người truyền cho Giáo hội rao giảng là thánh (Ga 17, 17): lời Chúa là thánh và thánh hoá mọi sự (1 Tim 4,5); Bí tích do Giáo hội phân phát là Thánh vì chính Giáo hội cũng là Thánh (1P 2,9), là bạn trăm năm không tỳ ố của Chiên Con vô tỳ tích (Kh 19,7; 21,22 và 9;22,27; GH số 6), mặc dầu đó đây và trong mọi thời đại, vẫn có một số thành viên tội lỗi bất xứng, kể cả trong cấp lãnh đạo.

b. Ngoài ra, có sự thánh thiện bản thân nơi mỗi người, tức là khi mỗi người được thánh hoá, sống trong ơn nghĩa Chúa(Ga 17,17; Eph 1,4). Mỗi người có bổn phận tránh tội lỗi để nên thánh và phải được khuyên bảo nên thánh hơn (1 Tx 4,3). Sự thánh thiện bản thân này, chỉ một mình Chúa biết rõ. Nhưng nhiều lần Chúa tỏ ra sự thánh thiện này một cách anh hùng nơi các thánh: các ngài đã sống bác ái tới mức anh hùng, để thành dấu chỉ của Giáo hội thánh thiện (xem Ga 13,35). Các vị tử đạo ấy cũng vậy (HC Mục vụ, 21). Một cách thường xuyên và “đặc biệt hơn, sự thánh thiện đó tỏ lộ trong việc thực hiện các lời khuyên quen gọi là lời khuyên của Phúc âm. Nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy, nhiều Kitô hữu thực hành các lời khuyên ấy với tư cách hoặc trong những lối sống hay bậc sống đã được Giáo hội công nhận; việc thực hành đó mang lại và phải mang lại cho thế giới một bằng chứng và một mẫu gương sáng ngời về sự thánh thiện của Giáo hội” (GH. 39). Các Kitô hữu bất cứ theo bậc sống nào đều được gọi để làm dấu chỉ sự thánh thiện của Giáo hội, ngay trong xã hội trần thế. Và điều này, chính là ơn gọi của Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu Tôi Tớ, là người tận hiến sống giữa đời.

c. Giáo hội luôn có sự thánh thiện khách quan và sự thánh thiện này cố định, không bao giờ giảm sút. Giáo hội cũng luôn có sự thánh thiện chủ quan nơi bản thân người Kitô hữu, có thể nhiều hay ít, mạnh hay yếu là nhờ các Kitô hữu thánh thiện và nhất là nhờ các tâm hồn tận hiến quyết tâm theo Chúa Giêsu và sống như Ngài đã sống, qua việc tuân giữ ba lời khuyên Phúc âm. Sự thánh thiện bản thân của người tận hiến không phải chỉ làm lợi cho mình mà còn làm thơm lây Giáo hội, làm cho Giáo hội luôn là một bạn trăm năm không tỳ ố như thánh Phaolô đã quả quyết (Eph 5, 27). Không lạ gì, Cha Beyer đã khẳng định như sau: “Đối với Giáo hội nhìn nhận các bậc trọn lành là một việc hết sức quan trọng, bởi vì làm như thế là bảo vệ được đời sống sâu xa nhất của Giáo hội nhìn nhận, cũng như đã chính thức công nhận một trong những phương thế nổi bật nhất để làm chứng về sự thánh thiện của Giáo hội”( Tập tìm hiểu … 36)

2. Đời tận hiến là phương thế độc đáo việc tông đồ của Giáo hội:

a. “Tông truyền”có nghĩa là: do các Tông đồ truyền lại. Người ta thường phân biệt (nhưng không bao giờ tách biệt) ba thứ tông truyền: tông truyền về nguồn gốc; tông truyền về giáo lý; tông truyền về kế vị.

Giáo hội công giáo bắt nguồn từ Chúa Giêsu, nhưng qua tông đồ đoàn.

Giáo lý của Giáo hội do Chúa Giêsu mạc khải, nhưng qua các Tông đồ ghi lại, chính thức chú giải và lưu truyền cho ta trong bộ Tân ước.

Quyền bính của Giáo hội phát xuất từ quyền bính Chúa Giêsu, nhưng qua các Tông đồ trao lại cho các người kế vị.

Thứ tông truyền này là tiêu chuẩn vững chắc nhất và là dấu chỉ rõ ràng nhất, để ta nhận ra Giáo hội chính tông do Đức Kitô xây trên đá Phêrô (Mt 16,18) và trên nền tảng các Tông đồ (Eph 2, 20). Đâu có Phêrô và các Đức Giáo Hoàng kế vị, là đấy có Giáo hội có Chúa Giêsu hiện diện, có Huấn quyền tối cao bất khả ngộ về giáo lý.

Muốn thêm chi tiết, ta có thể nói tới thứ tông truyền thứ bốn nữa: đó là tông truyền về sứ mệnh, các tông đồ đã nhận sứ mệnh đó từ Đức Kitô: “ các con hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần…” (Mt 28,19). “Hãy đi khắp thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và được rửa tội sẽ được cứu, còn ai không tin thì sẽ bị luận tội.” (Mc 16, 15-16).

b. Mỗi tín hữu thông phần vào sứ mệnh này, dưới sự dẫn dắt của hàng Giáo Phẩm, kế vị các Tông Đồ. Làm Tông đồ là được sai đi để thực hiện sứ mệnh trên. Tông đồ được Chúa Cha sai đầu tiên là Đức Kitô. Người lại sai Nhóm Mười Hai, và gọi họ là những Tông Đồ (Mt 10,1-5; Mc 6,12; Lc 9,1-6). Nhóm Mười Hai sai các Đấng Kế vị (= các Giám Mục). Các Đấng Kế vị lại sai các Linh mục, các Giáo dân và cả các Tu sĩ là những tâm hồn tận hiến. Riêng về việc Tông Đồ của những người này, Đức Piô XII đã đề cao như sau: “Mọi người đều biết … lịch sử của hoạt động tông đồ trong Giáo Hội gắn liền với lịch sử của các Dòng Tu đã được Giáo Hội công nhận, và đi đôi với những thành quả vẻ vang của các Dòng ấy…” (xem tập tìm hiểu 34)

c. Hiện giờ xuất hiện rất nhiêu lối sống tận hiến giữa đời gọi là các Tu Hội đời mà Đức Piô XII nói là : Thực sự do Chúa quan phòng ban cho” – vì nhu cầu mới của Giáo Hội.Chưa bao giờ cầntruyền giáo mạnh mẽ như ngày nay. Chưa bao giờ cần “đặt đèn lên giá” (Mt 5,15) cho “Mọi người thấy đồn lũy trên núi” (Mt 5,14) bằng lúc này. Tu hôi đời không đi ngược đời tận hiến, mà chỉ muốn sống đời tận hiến cách khác: “Các tổ chức này đã bắt đầu xuất hiện vào tiền thế kỉ thứ 19 do sự thôi thúc đặt biệt của Chúa Quan phòng., nhằm mục đích là làm sao trung thành thực thi các lời khuyên Phúc Am ngay giữa thế gian, và được tự do hơn để chu toàn các bổn phận của Đức Ai mà các Dòng Tu (vì đời sống cộng đoàn và tu phục bắt buộc) khó lòng hay hoàn toàn không thể thực hiện được vì những khó khăn của thời đại.” (Tông Hiến đã dẫn)

3. Sống tận hiến nói chung và sống tận hiến giữa đời nói riêng bộc lộ tính cách chung của Giáo Hội:

“Cánh chung” hai danh từ Hán Việt này đều có nghĩa là hết, tận, xong rồi, sau hết. Theo nghĩa này các Tiên tri xưa đã có những sấm ngôn về Đấng Mêsia và về thời gian cuối cùng của Ngài khai mạc Vương Quốc. Cũng theo nghĩa này, người ta nói Giáo Hội nói chung và đời sống Kitô hữu có tính cách chung nghĩa là đời sống vĩnh cửu đã bắt đầu rồi nhưng chỉ sẽ được trọn vẹn triển nở khi Chúa Giêsu quang lâm trong ngày tận thế. Như vậy để chỉ cánh chung, còn có nhiều danh từ tương đương: Quang lâm (1 Cor 15,23); ngày của Chúa Kitô. (1 Cor 1,8; Phil 1,6 giống “Ngày của Giavê” trong Cựu Ước; Am 5,18; Ga 1,15; 2,1-2); hậu the, phân biệt với hiện thế là thời gian sẽ tới, được đánh dấu bằng việc Thiên Chúa toàn thắng sự ác và mọi quyền lực xấu xa, từ đó người ta được hưởng bình an vui vẻ vô tận.

Theo người Do Thái, hiện thế và hậu thế kế tiếp nhau. Trái lại, theo Kitô giáo, giữa việc Chúa Giêsu đã đến và việc Người sẽ đến trong vinh quang, có một quãng thời gian mà hiện thế hậu thế thấu nhập vào nhau rồi. Dầu sống trong hiện thế ta đã được hưởng ơn toàn thắng của Đức Kitô rồi, mặc dầu những hậu quả của cuộc chiến thắng này chỉ sung mãn đầy đủ ở hậu thế (xem 1 Cor 2,6). Đó cũng là nghĩa sống trong thế gian mà không thuộc về thế gian; sống trong hiện thế mà đã bắt đầu sống đời hậu thế rồi. Ngay từ thế kỉ 2, tác giả bức thư cho Diognète đã viết như sau : “Người Kitô hữu hoà mình với những tập tục địa phương về áo mặc, thức ăn, cách sống, nhưng cùng một lúc họ tuân thủ những luật lệ phi thường và đầy nghịch lý của Vương quốc thiêng liêng. Mỗi người họ sống trong quê hương riêng, nhưng sống như lữ khách, kiều cư. Họ chu toàn mọi nghĩa vụ công dân, nhưng mang chịu mọi gánh nặng như người ngoại quốc. Mọi đất khách quê người là quê của họ,và mọi quê hương đối với họ là đất khách quê người … Họ sống trong xác thịt, nhưng lại là công dân trên trời” (Euch. Patristicum, 97)…

Thân phận trên đây là thân phận chung cho mọi Kitô hữu, nhưng đặc biệt là thân phận của người khấn giữ ba lời khuyên Phúc Âm. Do đó, những lời cam kết của anh chị em tận hiến trong Tu Viện hay ngoài đời, đều có tính cách chung và hậu thế, bộc lộ tính đó của Giáo Hội một cách hiển nhiên nhất. Thực ra vào thời cánh chung, mọi của cải sẽ bỏ ta, và dĩ nhiên, muốn hay không muốn, ta bắt buộc phải bỏ nó. (xem Lc 12, 16-21).

-Với lời cam kết sống khó nghèo hạn chế quyền sở hữu hay quyền sử dụng của cải, ta từ bỏ chúng trước rồi, không cần phải đợi thời hậu thế mới bỏ. (Mt 19, 27-29)

– Tình cảm hôn nhân cũng sẽ chấm dứt vào thời hậu thế, người ta sẽ sống như Thiên Thần không còn dựng vợ gả chồng nữa. Với lời khấn giữ đức khiết tịnh trọn vẹn, người tận hiến đã sống như Thiên Thần ngay ở đời này rồi. (Mt 22,30; 19,10-12).

– Sau hết, vào thời hậu thế, tất cả – kể cả Chúa Con – sẽ tuyệt đối vâng phục Chúa Cha (1 Cor 15,28). Người tận hiến tự nguyện cam kết sống vâng phục như Đức Kitô cam kết hạn chế sự tự do của mình để đạt lợi ích lớn hơn, đã ”vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,10) rồi chứ không cần đợi hậu thế mới vâng phục Cha. Như vậy, họ theo Đức Kitô hướng về Cha. “Về với Cha” (Ga 13,1) là câu nói đầy hy vọng nhiều lần thoát ra từ miệng Chúa Cứu thế. Trong cuộc đàm thoại thân mật với các tông đồ và với Cha, Người nói câu đó tới gần mười lần (Ga 14,12,28; 16,5,7,8,10,28; 17,11,12). Người tận hiến cũng đang tiến về với Cha, và trong cuộc hành trình này, họ trút bỏ tất cả những gì quá nặng cản trở hoặc làm chậm tiến bước chân. Nghĩ tới Cha trong cuộc hành trình về với Cha sẽ là động lực thúc đẩy và là sức mạnh nâng đỡ Thừa Sai Chúa Giêsu tôi tớ sống trung thành với mọi lời cam kết và vui vẻ chấp nhận những hy sinh lớn lao khi giữ các lời cam kết ấy.

Nhưng hướng về Cha, hướng về hậu thế và phần nào sống thời hậu thế, người tận hiến – nhất là người tận hiến giữa đời – không được phép đoạn tuyệt với hiện thế. Trái lại, “ta hiểu được ý nghĩa cuộc sống ở trần thế hơn” (GH 48). Họ “không có quê hương trường tồn ở trần thế mà phải kiếm tìm một quê hương hậu lai” (MV 43). Nhưng không phải vì đó mà “tưởng rằng mình có thể sao lãng các bổn phận trần gian” (Sđđ). “ Không được gây sự đối nghịch giả tạo giữa sinh hoạt nghề nghiệp xã hội và đời sống tôn giáo (hoặc đời sống tận hiến nói riêng). Đối với Kitô hữu (đặc biệt đối với người tận hiến giữa đời), xao lãng bổn phận trần thế, tức là xao lãng bổn phận đối với tha nhân và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến việc cứu độ đời đời của mình bị đe dọa.

Theo gương Chúa Giêsu đã sống như một người thợ, các Kitô hữu (và nhất là các tâm hồn tận hiến giữa đời) hãy vui mừng, vì vừa có thể thi hành mọi sinh hoạt trần thế vừa đồng thời có thể liên kết mọi cố gắng nhân loại, gia đình, nghề nghiệp, khoa học kỹ thuật, với các giá trị tôn giáo (nhất là các giá trị tàng ẩn trong ba lời khuyên Phúc Am) để làm thành một tổng hợp sinh động duy nhất. Dưới sự hướng dẫn tối cao của các giá trị tôn giáo (và của ba lời khấn). Mọi sự được quy chiếu về vinh quang Thiên Chúa” (Sđđ). Chỉ với giá này, người tận hiến giữa đời mới thực sự bộc lộ tính cách chung của Giáo Hội. Chỉ như thế họ cùng với Giáo Hội mới sống đời hậu thế ngay ở trần gian mà không hờn dỗi trần gian và không thất vọng về trần gian mà “Chính Thiên Chúa đã yêu đến nỗi đã thí ban người Con Một” (Ga 3,16).

II. MỐI TƯƠNG QUAN PHÁP LÝ VỚI GIÁO HỘI

Nói pháp lý, quy chế, cơ cấu, tổ chức, quy tắc, là nói quyền bính, nghĩa vụ, quyền lợi.v.v… vì có mối liên quan thần học nói trên nên không lạ gì qua các thời đại Giáo hội dùng quyền Chúa Giêsu trao luôn luôn đặc biệt săn sóc vườn hoa các tâm hồn tận hiến, bằng những lời cổ võ, khuyến khích, bằng ban cho những đặc ân nọ kia, và nhất là thiết lập những quy luật vừa nghiêm ngặt khắt khe, vừa uyển chuyển thích nghi với mọi hoàn cảnh. Và đó là mối tương quan pháp lý giữa người tận hiến với Giáo hội, để đời tận hiến được tổ chức thành những cơ cấu chính thức trong sinh hoạt Giáo hội. Ta sẽ vắn tắt nói qua về các cơ cấu trong Giáo hội để xem cơ cấu đời tận hiến chiếm địa vị nào trong số các cơ cấu ấy.

1.Cơ cấu hiến định do Đức Kitô trực tiếp thiết lập hay gián tiếp do các tông đồ

Cơ cấu này bất di bất dịch và có thể nói theo từ ngữ ngày nay là tính hiến định. Cơ cấu căn bản là giáo dân và cấp lãnh đạo. Về cấp lãnh đạo, xưa kia có Tông đồ đoàn, với Phêrô-Đá là đoàn trưởng. Ngày nay các Giám mục đoàn, đứng đầu là vị Giám mục Rôma, gọi là Đức Giáo Hoàng, rồi có Linh mục đoàn (cách gọi thân mật trong đại gia đình công giáo là: Đức Thánh Cha, Đức Cha, Đại diện Chúa Cha trên trời). Sau hết, là đoàn Phó tế. Hệ thống nhân sự trên được Chúa Giêsu trao cho ba sứ mệnh: dẫn dắt, giáo huấn và thánh hoá, mỗi cấp mỗi quyền năng khác nhau. Đồng thời cũng nhận được từ Chúa Giêsu hệ thống bảy Bí tích, gồm một số sự vật (như nước, dầu, bánh, rượu ) và một số cử chỉ (đặt tay trên đầu) hay thái độ bên ngoài tương ứng với thái độ bên trong (như việc sám hối của tội nhân, cử chỉ ưng thuận của đôi bạn trong hôn phối).

2. Cơ cấu mục vụ do Giáo hội thiết lập:

Để thực hiện sứ mệnh Đức Kitô trao phó, Giáo hội có quyền và có bổn phận thiết lập nên những cơ cấu mục vụ qua các thời đại cố định hơn kém, cần thiết hơn kém, nhiều ít tuỳ hoàn cảnh và tuỳ nhu cầu của tín hữu. Những cơ cấu này thường tập trung tại Giáo đô La mã đã được Đức Thánh Cha sử dụng để thực hiện sứ mệnh phổ thế hoàn cầu của Ngài. Đó là các Thánh Bộ: Bộ về giáo lý và Đức tin, Bộ về phụng tự, Bộ về giáo dục công giáo, Bộ về Phúc âm hoá các dân tộc. v.v…, các văn phòng, các Hội đồng, các Uỷ Ban, các Toà án.v.v…

Nằm trong các cơ cấu mục vụ này có Bộ về đời sống thánh hiến và các Hội tông đồ. Bộ Giáo luật cũ (1917) chỉ nói tới các tu sĩ khấn sống đời tận hiến trong cộng đoàn, với nội quy riêng, với tu phục riêng (kh. 487 – 681). Giáo luật hiện hành 1983 còn ra quy luật cho các hội giáo dân nam nữ sống chung mà không có lời khấn.

3. Quy chế tổng quát các tu hội đời:

Đức Piô XII đã nhắc tới trong tông huấn HTMQP như sau “các hiệp hội mà từ nay sẽ gọi là các Tu Hội Đời, đã ra đời trong tiền bán thế kỷ 19, do Chúa Quan phòng soi sáng, với mục đích là: trung thành thực hiện ba lời khuyên phúc âm giữa đời và tự do hơn chu toàn những việc Bác ái mà thời buổi khó khăn không cho phép các Dòng tu thực hiện được, hay khó thực hiện được”. Chính vì vậy mà Đức Thánh Cha đã ban hành Tông hiến nói trên, để đặt cơ sở pháp lý cho các Tu Hội Đời, ngày 2/2/1947. sau đó, 12/3/1948, ra tự sắc “Sau một năm tốt đẹp” thẩm định lại thành quả tông hiến HTMQP. Cuối cùng có Huấn dụ của thánh bộ tu sĩ ngày 19/3/1948, nhắc lại, giải thích và chú giải Tông Hiến và Tự Sắc của Đức Thánh Cha.

Dưới đây là một số các khoản chính yếu của Quy Chế tổng quát về các Tu Hội đời gồm trong các văn kiện chinh thức nói trên.

Điều I. – Các hội giáo sĩ hay Giáo dân có những thành viên thực hiện giữa đời những lời khuyên Phúc Am, hầu đạt tới đời sống trọn lành Kitô giáo và trọn vẹn làm việc tông đồ: những hội như thế được gọi tên riêng là Tu Hội hay Tu Hội Đời, để phân biệt rõ với các Hiệp Hội chung khác của các tín hữu. Các Tu Hội ấy phải tuân theo những quy tắc của Tông Hiến này”

Điều II. – 1:Các Tu Hội không tuyên ba lời khấn công khai kiểu các Dòng tu, ta gọi là khấn công khai cấp 2. THĐ có lời khấn công khai cấp 1 (GL, kh 1308,1 và 488,10); không buộc tất cả các thành viên sống chung, hay sống dưới cùng một mái nhà theo Giáo Luật (khoản 487 và tiếp theo, khoản 673 và tiếp theo), nên:

a/ Trong Giáo luật và theo đúng luật, các Tu Hội Đời không được và không thể được gọi là các Dòng Tu (khoản 487 và 488,1) theo nghĩa chuyên môn hoặc là các Hiệp Hội có đời sống chung (khoản 673).

b/ Các Tu Hội đời không buộc giữ quy chế dành riêng cho các Dòng Tu và các Hiệp Hội có đời sống chung.

Điều III-1 : “Để một Hội Thiện nào đó của tín hữu có thể được nâng lên hàng Tu Hội Đời, chiếu theo các khoản trên đây, thì trừ những điều kiện chung cần phải thoả mãn những điều kiện sau này :

2: Về việc tận hiến đời sống và khấn hứa tiến tới đời trọn lành Kitô giáo: các hội viên muốn làm thành viên theo nghĩa hẹp (chính thức) của Tu hội, không kể các việc đạo đức và từ bỏ mà ai muốn nên trọn lành cũng cần phải làm, còn phải nên trọn lành bằng những phương tiện riêng như sau:

a/ Cam kết trước mặt Chúa sống đời độc thân và giữ đức trong sạch trọn vẹn. Tuỳ theo Hiến Pháp, lời cam kết này sẽ thực hiện bằng một lời khấn, lời thề, hoặc bằng một việc dâng hiến buộc lương tâm phải giữ;

b/ Bằng lời khấn hay lời hứa vâng lời buộc một cách cố định, họ tự dâng hiến toàn diện và trong mọi việc họ nhận quyền và sự hướng dẫn liên tục về mặt tinh thần, của các Bề trên theo Hiến Pháp;

c/. Bằng một lời khấn hay lời hứa, họ không tự do sử dụng của cải nữa, mà chỉ sử dụng trong mức nhất định và hạn chế, theo Hiến Pháp;

3: Về dây liên lạc giữa Tu hội đời và các thành viên theo nghĩa hẹp : Giây liên kết Tu Hội Đời và các thành viên đó với nhau :

1.- phải cố định, theo hiến pháp, hoặc vĩnh viễn, hoặc tạm thời; nếu tạm thời, phải nối lại mỗi khi hết hạn đã ấn định. (Giáo luật khoản 488,1)

2.- phải hổ tương và trọn vẹn, nghĩa là theo Hiến Pháp, thành viên tận hiến cuộc đời cho Tu Hội, và Tu Hội lo săn sóc thành viên và chịu trách nhiệm về thành viên.

4: Về các Trụ sở và những nhà chung của Tu Hội : Mặc dầu không buộc thành viên sống chung hoặc sống dưới cùng một mái nhà chiếu theo luật, nhưng vì lý do cần thiết hay hữu ích, các Tu Hội phải có một hay nhiều nhà chung:

* để các Bề trên Tu Hội có thể lưu trú nhất là các Tổng Phụ Trách hay các Bề trên Miền.

* để các thành viên Tu Hội có thể lưu trú hoặc về đó để được huấn luyện hay bổ túc huấn luyện, hoặc về đó tĩnh tâm hay làm các việc khác tương tự;

* để Tu Hội có thể tiếp đón những thành viên vì lý do sức khỏe hoặc vì hoàn cảnh nào khác, không tự túc được, hoặc vì thấy không có lợi nếu sống riêng rẽ tại nhà họ hay nhà người khác.

Điều IV. 1: Các Tu Hội đời thuộc thẩm quyền Thánh Bộ Tu Sĩ, nhưng vẫn tôn trọng thẩm quyền của Thánh Bộ Phúc Am hoá các dân tộc (GL. Kh 253,3) nếu là các Hội và các Chủng viện phục vụ các xứ Truyền giáo.

Điều V. 1 : Các Giám mục, chứ không phải các đại diện Kinh sĩ hội hay các Tổng Đại Diện, có thẩm quyền lập những Tu Hội đời và làm cho các Tu Hội ấy thành các pháp nhân, chiếu giáo lụât khoản 100, 1-2.

4/ Quy chế riêng Tu Hội Thừa sai Chúa Giêsu Tôi Tớ.

Quy chế này đã được Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, Giám mục Nha Trang chính thức thành lập theo Giáo Luật như là một Thiện Hội để tiến đến Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.

a/ Thừa Sai Chúa Giêsu tôi tớ thuộc hàng ngũ Tu Hội Đời cam kết sống tận hiến và giữ các lời khuyên Phúc Am bằng ba lời khấn độc thân khiết tịnh, khó nghèo và tuân phục. Khấn tạm rồi khấn trọn.

b/ Các thành viên Tu Hội Đời, bề ngoài như mọi người, như mọi tín hữu khác. Không tu phục riêng không buộc sống cộng đoàn, v.v…

CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Tương quan Thần học giữa Tu Hội Đời và Hội Thánh gồm những khía cạnh nào ?
2. Đời thánh hiến biểu lộ sự thánh thiện của Hội Thánh thế nào ?
3. Tại sao đời thánh hiến lại là phương thế độc đáo của Hội Thánh để hoạt động tông đồ ?
4. Tương quan pháp lý của Tu Hội Đời với Hội Thánh thế nào ?
5. Hãy cho biết một số khoản chính yếu liên quan đến Tu Hội Đời theo Tông Hiến 02.02.1947 và Tự Sắc 12.03.1948.


 
» Trở lại trang chính sách giáo lý đời tu.

{ 0 comments… add one }

Leave a Comment