Chương 6: Sống Tận Hiến Giữa Đời Không Buộc Sống Cộng-Đoàn | CôngGiáo.org
≡ Menu

Chương 6: Sống Tận Hiến Giữa Đời Không Buộc Sống Cộng-Đoàn

“Đời” ở đây có nghĩa là “thế gian”. Từ ngữ “thế gian” có nhiều nghĩa trong các sách Tin Mừng, đặc biệt trong các phần của thánh Gioan. Đan cử một số câu rút từ Tin Mừng theo thánh Gioan chương 17.

  • Câu 5: “và bây giờ xin Cha tôn vinh Con với Cha, trong vinh quang Con đã có nơi Cha trước khi có thế gian”
  • Câu 6: “Con đã tỏ danh Cha ra cho những người Cha đã lấy từ giữa thế gian mà ban cho Con”
  • Câu 9: “Con cầu xin cho chúng, Con không cầu cho thế gian”
  • Câu 11: “Con không còn ở trong thế gian, nhưng chúng ở trong thế gian”
  • Câu 13: “Nay Con đến cùng Cha, và Con nói thế, lúc còn ở thế gian… ”
  • Câu 14: “Thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian”
  • Câu 15: “ Con không xin Cha cất chúng khỏi thế gian. Nhưng xin Cha gìn giữ chúng khỏi kẻ dữ”
  • Câu 16: “Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian.”
  • Câu 19: “ như Cha đã sai Con đến trong thế gian, Con cũng sai chúng đến trong thế gian”

Tuỳ theo văn mạch, ta có thể rút ra mấy nghĩa sau này:

a/ Nghĩa tốt: thế gian được Chúa dựng nên (c.5)

b/ Nghĩa xấu: thế gian tội lỗi ngoan cố, khước từ Đức Kitô. (c, 9,14,16).

c/ Nghĩa đôi: vừa có khía cạnh tốt, vừa có khía cạnh xấu, phải được thanh tẩy và cứu độ (c,6,11,13,15,18)

I. NHẬP THẾ VÀ XUẤT THẾ

Sống giữa thế gian là thân phận của mọi kiếp người không trừ một ai. Sinh ra làm người, là phải thuộc về một gia đình, một họ hàng, một làng nước, một khu vực, một miền, một thế giới, một địa cầu, một hành tinh, một vũ trụ. Thế gian như hiện có, xét theo khía cạnh vật chất là tốt, được Chúa dựng nên và cho con người sử dụng (Stk. 1,4,10,12,18,21,25). Nó chỉ trở nên xấu khi con người lạm dụng nó, khi con người phản bội Thiên Chúa. (xem Rom. 6,19-23). Trước khi tổ tông phạm tội, con người đã có thể lạm dụng (vì có tự do), thì với tội bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa, con người đã thực sự lạm dụng, và sau tội tổ tông, con người rất dễ lạm dụng. Từ những nhận xét trên đây, xuất hiện hai thái độ của những người tín hữu muốn sống trọn lành, đặc biệt của những người tận hiến sống theo ba lời khuyên Phúc âm.

1/ Thái độ xuất thế trong tâm hồn.

Đây là thái độ phải có, chung cho bất cứ tín hữu nào, như lời căn dặn của Chúa Cứu Thế: “không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét chủ này mà khinh dễ chủ nọ. Các ngươi không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được” (Mt. 6,24). Trên đây là thái độ phải có đối với trần gian. Thánh Phaolô nói về thái độ phải có đối với đời sống tình cảm như sau:

“ Thời buổi đã co rút lại cho nên từ nay: những kẻ có vợ hãy ở như không có; khóc như không khóc; vui như không vui; mua như không cầm giữ, hưởng thế gian như không tận hưởng. Vì bộ dạng thế gian này đang qua!” (1Cr. 7,29-31). Có thể hiểu theo nghĩa này lời nguyện của Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha cho các tông đồ: “Con không xin Cha cất chúng khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng khỏi kẻ dữ. Chúng không thuộc về thế gian (bằng tinh thần xuất thế) cũng như Con không thuộc về thế gian” (Ga 17, 15-16)

2/ Thái độ xuất thế trong tâm hồn và xuất thế thực sự bên ngoài nữa:

Vào những thế kỷ đầu, những người tuy tận hiến nhưng vẫn sống tại gia (tu tại gia) mặc dầu còn hạn chế tiếp xúc với thế gian bên ngoài gia đình. Lúc đầu, còn sống lẻ tẻ. Dần dần, họ sống chung với nhau, như các bà sang trọng Asella và Marcella tại Rôma. Họ đã tập hợp tại nhà riêng họ trên đồi Aventinô (một trong bảy đồi của thành Rôma) nhiều nữ đồng trinh và nữ góa, để đọc thánh vịnh chung, học hỏi và chia sẻ lời Chúa, với một số quy luật tối thiểu.

Nhưng vào cuối thế kỷ IV và mấy thế kỷ sau, mặc dầu sống trong các cộng đoàn và tuân giữ luật chung tại tư gia, nhiều tâm hồn tận hiến coi đó là chưa đủ để bảo vệ đời tận hiến. Họ muốn lo phần rỗi với bất cứ giá nào và hạn chế tối đa sự rủi ro mất linh hồn, nên họ thấy cần phải đặt một hàng rào kín mít giữa họ và những quyến rũ của thế gian. Họ quyết tâm trút bỏ mọi của cải, bỏ cha mẹ và xứ sở quê quán, tìm nơi tĩnh mịch; tại đó họ hoàn toàn sống nghèo khó, xa những nguy hiểm của thế gian, để chỉ phụng sự Chúa và lo phần rỗi mình. Lúc đầu, họ rủ nhau ra sống bên ngoài thành thị (như thánh Antôn lúc đầu sống ẩn tu gần Côma, quê của Ngài). Nhưng như thế vẫn còn quá gần xã hội loài người. Nhiều quan khách tới thăm. Họ hàng thân thuộc năng lui tới quấy rầy đôi khi còn trách móc họ đã dửng dưng với gia đình hoặc để thân nhân phải thiếu thốn. Ngoài ra, bả phù vân, men khoái lạc trong các xã hội bên lương quá gần họ, gây nên một mối nguy hiểm đáng sợ đối với những vị ẩn tu trẻ tuổi. Do đó, họ quyết đi xa hơn nữa, lẩn trốn vào các rừng vắng (như xưa: Elia, Gioan Tẩy Giả). Dĩ nhiên trốn vào rừng còn là để tránh các cuộc bách hại, như dưới thời hoàng đế Đexiô vào năm 250, làm cho rất nhiều người bỏ đạo.

Truyền thống xuất thế hoàn toàn này, ngày nay, vẫn còn tiếp tục trong các dòng khổ tu (như Xitô, Camêlô. v.v…)

3. Vừa xuất thế, vừa nhập thế bề ngoài:

Trước thế kỷ XII, các tổ chức tận hiến nhằm thánh hoá các thành viên. Thường thường, họ không huấn luyện các vị tông đồ rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc. thỉnh thoảng, mỗi khi có Đức Giáo Hoàng hay các vị Giám mục thỉnh cầu, các vị tu sĩ mới trở thành các vị thừa sai như thánh Augustinô tông đồ các dân Anglô – Saxons thế kỷ VI; thánh Bonifaciô (680-755) Phúc âm hoá các dân tộc Đức, từ thế kỷ XII, xuất hiện các dòng hoạt động chuyên biệt: hiệp sĩ thánh Gioan tại Giêrusalem (lập năm 1099): cả ba nhằm bảo vệ các nơi thánh tại Palestine và giữ an ninh cho các cuộc hành hương tại đó chống lại quân Hồi Giáo. Dòng Chúa Ba Ngôi (Les Trimitaires) lập tại Rôma năm 1198 lo việc chuộc lại những Kitô hữu bị dân ngoại bắt.

Đến năm 1215, tại Toulouse, thánh Đa minh lập dòng giảng thuyết, nhằm đưa bè rối Albigensê trở lại. Trước đó thánh Phanxicô Assisiô (1226) lập dòng anh em hèn mọn (O.F.M) nhấn mạnh đức khó nghèo, hằng ngày sống bằng lao động và của bố thí, thực hiện sát chữ những lời khuyên của Chúa Cứu Thế, trong Mt 10, 9-10: “đừng chuốc lấy vàng bạc, hay tiền đồng” “đừng mang bị đi đường, đừng có hai áo, giầy dép, gậy guộc.v.v…” thánh nhân cũng nhằm mục đích rao giảng Tin Mừng, nhất là rao giảng sám hối và bình an (xem Thomas de Celano Legenda I, 25-30). Như vậy, hai vị thánh nói trên sáng lập nên những dòng tu không tránh né thế gian nữa mà còn lăn xả vào thế gian để gieo rắc Tin Mừng. Có thể nói: đây là những dòng tu hoạt động tông đồ trực tiếp đầu tiên, làm mẫu cho các dòng tu thừa sai sau này.

Với thánh Phanxicô đệ Salê và bà thánh Jeanne de Chantal, một loại dòng tu mới ra đời lo việc tông đồ gián tiếp tức tông đồ bác ái: Dòng thăm viếng (Les Visitandines) lập năm 1610, săn sóc sức khoẻ cho các phụ nữ đau yếu, và góa bụa. Đôi khi, cũng lo việc giáo dục. Đặc điểm của hai vị thánh là tìm cách cho cả những người sống giữa đời tiến lên bậc trọn lành được, khác hẳn với nhiều vị sáng lập thế kỷ XVI, cho rằng bậc trọn lành chỉ có thể thực hiện được trong bốn bức tường tu viện, trong vòng nội quy nào đó thôi. Đó là nội dung căn bản của cuốn “Dẫn vào đường sùng đạo hay đạo đức: Introduction à la viedévote”. Đời trọn lành hệ tại nơi đức bác ái. Đạt được đức bác ái, cần phải có tinh thần cầu nguyện hơn là những việc đạo đức bề ngoài mặc dầu chúng cũng cần. Nhưng chúng luôn phải tuỳ thuộc các việc bổn phận thuộc bậc mình. Như ta sẽ thấy đây là nguồn cảm hứng sâu sa cho các tu hội đời, cho những tâm hồn sống đời tận hiến ngay giữa thế gian, sau khi đã cảm hứng thánh Vinh Sơn Phaolô (1576&1600) trong việc sáng lập dòng “các linh mục thừa sai = Lazaristes” và dòng “Nữ tử Bác ái” thánh Don Bosco cũng đã theo sát tinh thần Phanxicô đệ Salê và không ngại gọi là “Hội dòng thánh Phanxicô đệ Salê: Société de saint Francois – de- Sales” tục gọi là dòng Salêdiêng, một dòng có tính nhập thể rất cao, mặc dầu vẫn dữ đời sống cộng đoàn bắt buộc.

II. HOÀN TOÀN NHẬP THỂ: CÁC TU HỘI ĐỜI.

Những trang lịch sử trên đây chuẩn bị, để ta dễ hiểu thế nào không phải là những Tu hội đời và thế nào là những Tu hội đời đích thực, trong số đó có gia đình Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu Tôi Tớ chúng ta. Điểm độc đáo của Tu Hội đời, ta đọc thấy trong một đoạn văn tự sắc “Primo feliciter = một năm tốt đẹp” (12/3/1948, một năm sau Tông- Hiến “Provida Mater Ecclesea”) như sau: “ khi nâng các tổ chức tín hữu lên một hình thức cao hơn, đó là hình thức các Tu hội đời, và trong khi tổ chức các cơ cấu chung cũng như riêng cho các Tu hội đời ấy, cần phải luôn có trước mắt điểm độc đáo riêng của chúng đó là tính cách đời hay trần thế. Tính cách này là lý do tồn tại các Tu hội. Nó phải được bộc lộ ra trong mọi sự” ( Tự sắc dẫn số II).

Trên đây ta nói tới từ ngữ “thế gian” với những nghĩa tốt xấu của nó. Bản Tân Ước có một từ ngữ khác hoặc dịch cách khác tương đương, đó là “Đời” cũng có nghĩa tốt, xấu.

Nghĩa tốt: “khi đời này chấm dứt (ngày tận thế)” (Mt,13,40); “sự khôn ngoan đó không đầu mục nào của đời này biết được” (1Cor 2,8); “Hãy dạy cho các kẻ giàu có đời này là đừng kiêu hãnh” (1Tim 6,17)

Nghĩa xấu: “con cái đời này khôn ngoan hơn con cái sự sáng”(Lc 16,8); “Đừng rập theo đời này (aioni), trái lại, hãy canh tân lương tri…” –Rm 12,2) “Ai muốn thân thiết với đời này tức là thù địch với Thiên Chúa” (Gc 4,4).

Như vậy, thế gian, trần thế, đời, có thể là đồng nghĩa và theo văn mạch của Tông hiến và Tự sắc đã dẫn chứng có nghĩa tốt, gồm: vũ trụ và các vật Chúa đã tạo dựng nên; các định chế gia đình, xã hội, kinh tế, chính trị, quốc gia, quốc tế, hợp với bác ái và công bình; các giá trị khoa học kỹ thuật,văn hoá, nghệ thuật; các tổ chức từ thiện bác ái,thể dục thể thao.v.v…; các nghề nghiệp chính đáng vừa để xây dựng thế giới, vừa là kế sinh nhai. v. v… sau đây là những khía cạnh chính yếu của tính cách trần thế của Tu Hội Đời.

1. Sống giữa đời:

Ta có thể xét đến điểm này dưới hai khía cạnh: tiêu cực và tích cực.

a. Khía cạnh tiêu cực: sống giữa giòng đời trước hết có nghĩa là không sống trong một tu viện; không sống nơi hẻo lánh như muốn thoát đời; không có nội quy, nội cấm nào. Cũng không buộc phải sống chung trong một cộng đoàn, dưới cùng một mái nhà (trừ nhu cầu cần phải có trụ sở chung, cho Ban Phục vụ hay cho một số đòi hỏi có tính tập thể khác như tĩnh tâm hưu trí…). Ở điểm này Tu hội đời khác xa với Dòng tu có đời sống cộng đoàn bắt buộc. Cũng không có tu phục riêng như các dòng tu thường phải có; không có cái gì bề ngoài có vẻ lập dị làm cho những người tận hiến xa lạ với người chung quanh hoặc làm cho họ thành một “giai cấp” thần thiêng nào đặc biệt trong xã hội đời.

b. Khía cạnh tích cực: Người tận hiến giữ nguyên công tác xã hội hoặc địa vị xã hội họ có trước khi tận hiến hay sau khi cam kết sống ba lời khuyên Phúc âm. Họ có thể sống ngay trong gia đình, trong xí nghiệp, trong nơi họ thực hiện công tác, nơi họ có thường trú hay tạm trú, tuỳ trường hợp. Họ sống theo giòng đời nổi trôi với tất cả may rủi, với tất cả các biến cố có thể xảy đến. Nếu họ là công nhân nhà nước; họ chấp hành nghiêm chỉnh mọi kỷ luật của xí nghiệp, của trường học, của nhà thương.v.v… họ có thể tiếp xúc với bất cứ ai, trừ những dịp tội lỗi. Họ có thể đi đây đó vì lợi ích nào mà không buộc có ai làm “Thiên thần” cùng đi với họ, như luật của một số Dòng tu đòi hỏi.

c. Sống giữa dòng đời mà vẫn thuộc bậc trọn lành như Giáo hội muốn qua lời Đức Giáo Hoàng Piô XII nói với thành viên của Tu hội đời: “ Giáo hội đã ghi nhận đức độ và lòng quảng đại của các con, vượt quá sự trông chờ của các con: Đó là chính thức đưa các con vào trong nếp sống của Giáo hội và cho phép các con tiếp tục sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Đây không phải là điều Chúa Giêsu đã ước mong cho các tông đồ trong lời nguyện cuối đời Người sao? Các con đã được thánh hiến cho Thiên Chúa, đã được chiêu mộ để phụng sự Đức Kitô: khế ước giữa hai bên đã được ký kết. Chúa biết điều đó. Giáo hội cũng biết thế và các con cũng biết vậy” ( Tập tính cách trần thế tu hội đời. Trang 12&13).

2. Dùng chính những phương tiện của đời:

Không phải chỉ sống giữa đời một cách bất đắc dĩ, vì hoàn cảnh nào đó đã không cho phép làm cách khác. Theo ý Giáo hội, sống giữa Đời chưa đủ còn phải tích cực dùng những phương tiện chính đáng của Đời để nên thánh và làm việc tông đồ: “ phải thực hiện cho mọi người thấy cuộc sống trọn lành qua đời tận hiến, ngay trong thế gian, ngay giữa giòng đời. Bởi đó phải làm sao thích nghi lối sống tận hiến ấy với cuộc sống thế trần trong tất cả những gì được phép làm và những gì không đi ngược lại với những bổn phận và những công việc mà bậc trọn lành này đòi hỏi” (Piô XII tự sắc Một năm tốt đẹp đã dẫn, số 2). Như vậy, người tận hiến giữa giòng đời tự thánh hóa mình và nên trọn lành qua những công việc trần thế mình làm, bằng những nghề nghiệp mình vẫn có: nghề bác sĩ, y tá, giáo viên,công nhân, kỹ thuật gia.v.v… tự thánh hoá bằng cách coi nghề nghiệp hay công tác nào đó là thánh ý Chúa, giống như những công tác tông đồ hay quy luật tỉ mỉ trong các Dòng tu do Bề trên trao phó và ấn định, cũng là thánh ý Chúa đối với mọi thành viên. Nên trọn lành là bám sát thánh ý Chúa bao nhiêu có thể, để ý Ngài và ý ta ăn khớp với nhau. Ngoài ra, phải có tinh thần cầu nguyện, biết hướng mọi việc mình làm về Chúa; biết dâng những hy sinh những từ bỏ mà nghề nghiệp nào đó đòi phải có; biết chiêm ngưỡng vẻ đẹp của môi trường mình sống, của tác phẩm mình làm ra như vậy là phản ảnh đấng đẹp tuyệt đối là Thiên Chúa; biết làm mọi việc đời, do một động lực duy nhất hay ít nữa là động lực trội vượt hơn cả làm bá chủ, là đức bác ái: mến Chúa yêu người. ở đây, Tu hội đời bắt gặp tinh thần thánh Phanxicô đệ Salê trong cuốn “Traité de l’Amour de Dieu = về tình yêu Thiên Chúa”. Nhờ tình yêu Chúa, người tận hiến giữa đời luôn kết hợp khăng khít với Ngài, ngay trong những công việc bề bộn, ngay giữa những tiếng động của nhà máy, giữa những tiếng ồn ào của chợ búa, giữa những tiếng khóc cười của vườn trẻ,.v.v… Dĩ nhiên, tinh thần cầu nguyện này chỉ có thể có và duy trì được nhờ một số tối thiểu các việc đạo đức căn bản và truyền thống (nguyện gẫm, thánh lễ, lần chuỗi, phụng vụ giờ kinh…) như ta sẽ nói trong phần thực hành.

3. Tác động vào đời:

a. Sứ mệnh tông đồ của Tu hội đời.

Chúng ta đang sống trong một thế giới phần đông không biết Chúa, chưa biết Chúa và lắm khi còn chối bỏ và nghịch với Chúa nữa. Đời Đức Thánh Cha PiôXI, phong trào công giáo Tiến hành do Ngài thành lập và cổ vũ, nhằm mục tiêu đem Đức Kitô vào mọi môi trường, bằng chính sự hiện diện tác thiện của người Kitô hữu, đặc biệt là của những giáo dân. Đường hướng này đã chuẩn bị cho hiến chế “Giáo hội trong thế giới ngày nay” của công đồng Vaticano II. Đức Thánh Cha Phaolô VI đã không ngần ngại khẳng định mối tương quan giữa hiến chế này và các Tu hội đời “không ai lại không thấy có một sự trùng hợp lại sâu xa và do Chúa quan phòng, giữa đặc sủng của các Tu hội đời và một số đường hướng quan trọng và rõ ràng nhất của công đồng, là: Giáo hội hiện diện trong thế giới” ( Huấn từ cho các thành viên Tu hội đời dịp kỷ niệm 25 năm Tông hiến “Hội thánh Mẹ Quan Phòng”, ngày 2/2/1972)

Sau đó, Ngài nói thêm: “trong một lúc như lúc này với ơn gọi đặc biệt và tận hiến giữa giòng đời, các Tu hội đời quả là những dụng cụ Chúa quan phòng ban cho để cụ thể hoá tinh thần Công đồng và truyền thống tinh thần ấy cho toàn thể Giáo hội. Nếu trước Công đồng, các Tu hội đã phần nào sống tinh thần đó, thì ngày nay, các Tu hội ấy càng phải là những chứng nhân chuyên môn và kiểu mẫu, làm chứng cho sự hiện diện và sứ mạng của Giáo hội trong thế giới.” (Huấn từ đã dẫn).

b. Hình thức việc tông đồ của Tu hội đời:

Người ta thường phân hai loại việc tông đồ: việc tông đồ trực tiếp và việc tông đồ gián tiếp. Loại trước gồm những việc thuần tôn giáo như: Rao giảng Tin Mừng; dạy giáolý cho dự tòng, tân tòng, cựu tòng, giữ các việc đạo đức; các việc thiêng liêng (dâng lễ, cầu nguyện, rước kiệu, thu dọn nhà thờ.v.v…) người ta thường cho vào loại này cả những công việc từ thiện bác ái như coi sóc bệnh nhân, quyên tiền giúp người nghèo, người bị thiên tai,v.v… có lẽ vì Chúa Cứu Thế cũng đã làm những công việc này: chữa mọi thứ bệnh, cho rượu uống, cho bánh ăn… còn những việc thuộc văn hóa khoa học, Ngài đã không làm. Cũng có thể vì những việc từ thiện bác ái liên hệ trực tiếp đến tha nhân là hình ảnh sống động của Thiên Chúa, và sẽ là hồ sơ chính yếu của cuộc chung thẩm sau này. Loại thứ hai gồm tất cả các thứ việc khác hợp với lương tri và đạo đức: các công tác dân sự, hành chính, chính trị, xã hội, nghiệp đoàn, kinh tế, nghiên cứu, sản xuất, các nghề nghiệp và dịch vụ: thợ mỏ, thợ mộc, thợ xây, giáo viên, y sĩ, y tá, v.v… người ta thường gọi những công việc trên đây là những công việc đời, công việc trần thế.

Việc Tông đồ của Tu hội đời, chủ yếu gồm việc tông đồ gián tiếp này: cuộc sống của những thành viên Tu hội đời đã được tận hiến cho Chúa, và với việc tân hiến này, trót cả cuộc đời họ phải biến thành việc tông đồ. Với ý ngay lành, với cuộc sống thân mật với Chúa, quảng đại quyết tâm với sự từ bỏ và quên mình, việc tông đồ nói trên phải được thực hiện một cách bền bỉ và thánh thiện, để vừa bộc lộ ra ngoài, vừa nuôi dưỡng và đổi mới tinh thần nung nấu bên trong…

Việc tông đồ của các Tu hội đời phải được trung thành thực hiện, không những trong đời, mà còn dùng chính đời, nghĩa là dùng những nghề nghiệp, những hoạt động, những hình thức, trong các nơi, trong các hoàn cảnh tương hợp với thân phận sống giữa đời đó (tự sắc đã dẫn số 2). Dĩ nhiên, không cấm các thành viên Tu hội đời làm những việc tông đồ trực tiếp (dạy giáo lý, thăm viếng săn sóc những người nghèo khổ bệnh tật…) khi thời giờ và sức khỏe cho phép nhưng với điều kiện là việc đời không bị tổn thương hoặc bị lơ là.

Làm việc đời cho chu đáo, theo sát thời khóa biểu và những đòi hỏi riêng của việc đời là một trong những đối tượng của lời khấn vâng phục, như ta sẽ có dịp nói chi tiết sau. Dù nằm ngoài công việc tông đồ trực tiếp, như công khai rao giảng Nước trời, cử hành biến cố cứu chuộc qua các bí tích, những việc trần thế không phải vì thế mà không liên hệ với chúng. Xây dựng trật tự trần thế nghiêm chỉnh theo tinh thần Phúc âm là chuẩn bị, là trợ tá cho việc xây dựng nước trời, là sửa soạn tâm hồn để người ta đón nhận Tin Mừng về nước trời và sẵn sàng dùng các phương tiện siêu nhiên để vào Nước đó. Như vậy, tín hữu tận hiến và tín hữu không tận hiến sống giữa đời phải chăng là như nhau? Đức Thánh Cha Phaolô đã trả lời: tuy vẫn sống trong đời, nhưng xét dưới một khía cạnh nào đó, vị thế của chúng con rất khác vị thế của những giáo dân thông thường, bởi vì nếu các con cũng dấn thân trong những giá trị trần thế như họ, các con dấn thân với tư cách của những người tận hiến hay được thánh hiến (qua việc thực hiện ba lời khuyên phúc âm) (Huấn từ cho tổng đại hội các vị phụ trách Tu hội đời họp tại Nemi, Italia ngày 20/9/1972). Thành viên Tu hội đời được thánh hiến nghĩa là “Được Thánh Thần Thiên Chúa chiếm đoạt và thánh hoá, dành riêng họ cho một sứ mệnh cứu rỗi nào đó. Cụ thể hơn, khi tuyên khấn giữ các lời Phúc âm, các tâm hồn tận hiến đã nhận được một ân huệ Chúa Thánh Thần, khiến họ ý thức được một số đòi hỏi chính yếu của Tin Mừng, và khiến họ quyết định chọn đó làm quy luật cho đời mình” (tập tìm hiểu…, 118).

CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Từ ngữ “Đời” hay “thế gian”có mấy nghĩa?
2. Nhập thế và xuất thế có nghĩa là gì? Có mấy thái độ tương ứng áp dụng vào đời sống thánh hiến tu trì?
3. Tính cách trần thế của các Tu hội đời là gì?
4. Sống giữa đời là sống như thế nào?
5. Sứ mệnh tông đồ của các thành viên Tu hội đời nghĩa là gì?
6. Gía trị của Tu hội đời hệ tại điều gì?


 
» Trở lại trang chính sách giáo lý đời tu.

{ 1 comment… add one }
  • Thu October 13, 2019, 1:56 am

    Con muốn tìm hiểu các tu hội đời, cần thông tin liên hệ và nghiêm túc muốn gia nhập ạ. Con cảm ơn Ad

Leave a Comment