Các tu hội đời đã nhận được quy chế trong Giáo hội do Tông hiến “PROVIDA MATER ECCLESIA’’ của Đức Piô XII, ngày 02.02.1947. Và một năm sau, trong tự sắc “PRIMO FELICTER” Đức Thánh Cha nói lên lòng cảm tạ Chúa khi thấy “đông đảo nhiều tâm hồn ẩn náu với Chúa Kitô trong Thiên Chúa sống trong thế gian đang sẵn sàng và quảng đại hướng tới sự thánh thiện và vui vẻ hiến dâng cả cuộc đời mình cho Thiên Chúa trong những Tu hội đời” (ngày 12/3/1948).
Các Tu hội đời trên đây đã nhận được một luật riêng và Thánh Bộ về các Dòng tu đã được uỷ cho việc soạn thảo những luật lệ cần thiết. Vì được coi là một hình thức sống tận hiến đặc biệt thích hợp cho thời đại ta, nên loại Tu hội này đã có một chỗ đứng trong pháp chế mới của Giáo Hội.
Các Tu hội “Đời” cũng thuộc quyền Thánh Bộ Rôma như các Tu hội dòng. Từ khi có hiến chế REGIMNIECCLESIAE ngày 15/8/1967, Thánh bộ này gọi là “Thánh bộ này cho các Tu sĩ và các Tu hội đời” (S.C.R.I.S). Nay đổi lại là Bộ Dòng Tu và các Tu Hội Tông Đồ (Congrégation pour les Instituts de vie consacrée et les Cormmnautés de vie apostolique).
Hai mươi điều luật đã thích nghi các qui tắc chung của đời sống Tu trì vào các Tu hội đời.
Đặc tính cốt yếu của Tu hội đời, chính là “ tính cách trần the” của các thành viên (Đ.712), và tính cách trần thế này là ơn gọi biệt loại. Bởi vậy họ sống cuộc đời tận hiến trong “những hoàn cảnh thông thường” (Đ.714) giữa thế gian, để từ bên trong mà thánh hoá thế gian (Đ.710), không thay đổi địa vị theo Giáo Luật của họ theo dân Thiên Chúa, nghĩa là họ vẫn cứ là giáo dân hay giáo sĩ (Đ.711). Điều 713 chỉ định nhiệm vụ riêng của các thành viên giáo sĩ và các thành viên giáo dân. Các thành viên giáo dân tất nhiên không buộc giữ những luật lệ liên quan đến một số các hoạt động của các giáo sĩ và tu sĩ. Cho nên các hoạt động chính trị chẳng hạn lại rất thích hợp cho họ.
Tu hội đời là Tu hội tận hiến, nơi đó các tín hữu sống giữa thế gian, nhưng hướng tới mức trọn lành của Đức ái, và nhất là nỗ lực góp phần từ bên trong vào việc thánh hoá thế gian. (Đ. 710)
Do sự tận hiến của mình, thành viên của một Tu hội đời không thay đổi địa vị Giáo luật của riêng mình trong Dân Thiên Chúa, dù là giáo dân hay giáo sĩ, giữ nguyên những quy định của điều luật liên quan đến các Tu hội tận hiến (Đ. 911).
BẢN CHẤT CỦA SỰ DẤN THÂN:
Trong khi vẫn giữ nguyên những quy định của Điều luật 598-601, hiến pháp quy định những ràng buộc Thánh về cách đảm nhận các lời khuyên của Phúc âm trong Tu hội và phải ấn định các nghĩa vụ gồm trong các ràng buộc đó, nhưng vẫn giữ luôn tính cách trần thế riêng của Tu hội trong cách sống (Đ. 712).
CÁC HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ:
Luật không nói là cấm Tu hội đời, không được có những công cuộc riêng để các thành viên hoạt động tông đồ (Đ. 713,1). Nhưng các hoạt động này thường phải hoạt động ở ngoài Tu hội.
Các thành viên Tu hội này biểu lộ và thực thi sự tận hiến của họ trong hoạt động tông đồ, và khác nào Men, họ cố gắng thấm nhuần tất cả mọi sự bằng tinh thần Phúc âm để tăng sức mạnh và làm triển nở thân thể Chúa Kitô (Đ. 713,1).
Các thành viên giáo dân tham dự vào nhiệm vụ rao giảng Phúc Âm của Giáo Hội giữa thế gian và từ trong lòng thế gian, bằng chứng từ của đời sống Kitô hữu và bằng sự trung thành với sự tận hiến của họ, hoặc bằng sự giúp vào việc qui hướng các thực tại trần thế về với Thiên Chúa, thẩm thấu thế giới bằng sức mạnh Phúc Âm, họ cũng cống hiến sự hợp tác của họ để phục vụ cộng đồng Giáo Hội theo cách sống trần tục riêng của họ (Đ. 713,2).
Các thành viên giáo sĩ, bằng chứng từ đời sống tận hiến của họ, nhất là trong linh mục đoàn giúp đỡ anh em họ bằng một đức ái đặc biệt tông đồ, và trong dân Thiên Chúa, họ nỗ lực thánh hoá thế gian bằng thừa tác vụ thánh của họ (Đ. 713,3).
CÁCH SỐNG:
Các thành viên phải sống theo hiến pháp trong các điều kiện thông thường ở đời, một mình hoặc mỗi người trong gia đình mình, hoặc trong một nhóm huynh đệ (Đ. 714).
Tuy nhiên những nhà mà các nhóm này sống với nhau không phải là những “nhà dòng”. Bởi vậy không có sự thành lập theo Giáo Luật, không có nội cấm, không buộc phải có Bề trên nhà, và cũng không có quyền để Mình Thánh Chúa.
Các Tu hội đời là những cộng đoàn… các thành viên cộng đoàn không buộc sống “chung” nhưng phải giữ sự hiệp thông trong sự hiệp nhất tinh thần và bác ái huynh đệ, bằng cách tích cực tham gia vào sinh hoạt của Tu hội mình.
Tất cả các thành viên phải tích cực tham gia vào sinh hoạt Tu hội theo Luật riêng (Đ. 716,1).
Các thành viên của cùng một Tu hội phải giữ mối hiệp thông với nhau, cẩn thận lo giữ sự hiệp nhất về tinh thần và tình huynh đệ đích thực (Đ. 716,2).
CÁC GIÁO SĨ:
Các thành viên giáo sĩ đã nhập giáo phận, thì phục quyền Đức Giáo mục Giáo Phận, trừ những gì liên quan đến cuộc sống tận hiến trong Tu hội mình (Đ. 715,1).
Còn những ai đã gia nhập Tu hội theo Đ. 266,3 nếu được chỉ định thi hành những công tác riêng của Tu hội, hoặc điều khiển Tu hội, thì thuộc quyền Đức Giám mục như các Tu sĩ (Đ. 715,2)
CAI QUẢN:
Hiến pháp phải xếp đặt cách cai quản riêng và xác định nhiệm kỳ các Bề trên, cũng như cách thức chỉ định của các Ngài (Đ. 717, 1).
Không ai được chỉ định Bề trên cả nếu chưa dứt khoát gia nhập Tu hội (Đ. 717,2).
Các vị được đặt lên cai quản Tu hội phải lo sao để giữ được sự hiệp nhất tinh thần trong Tu hội, và cổ võ sự hợp tác tích cực của các thành viên (Đ. 717,3).
Việc quản trị tài sản của Tu hội phải biểu lộ và khuyến khích sự khó nghèo Phúc âm, và phải thực hiện theo các quy luật của quyển V về “CÁC TÀI SẢN CỦA GIÁO HỘI” và theo Luật riêng của Tu hội. Luật riêng cũng phải ấn định những nghĩa vụ nhất là về kinh tế của Tu hội đối với các thành viên làm việc cho Tu hội (Đ. 718)
ĐỜI SỐNG TINH THẦN:
Để trung thành đáp ứng ơn gọi của mình, và để cho hành động của mình xuất phát từ sự kết hợp với Chúa Kitô, các thành viên phải chuyên cần cầu nguyện, suy gẫm, chăm chỉ đọc Kinh Thánh theo cách thích hợp; tĩnh tâm hàng năm và phải thực hành các việc thiêng liêng khác theo luật riêng ( Đ.719,1).
Nếu có thể hãy cử hành Thánh Lễ mọi ngày để Thánh Lễ trở nên nguồn mạch và sức mạnh của tất cả đời sống tận hiến của mình (Đ. 719,2).
Các thành viên được tự do lãnh nhận Bí tích xá giải và hãy siêng năng xưng tội (Đ. 719,3).
Họ được tự do chọn Cha Linh Hướng, một điều tối cần thiết, và nếu họ muốn, họ có thể xin chính Bề trên của họ hướng dẫn lương tâm (Đ. 719,4).
NHẬN VÀ ĐÀO TẠO CÁC THÀNH VIÊN:
Quyền nhận vào Tu hội, vào thử để dấn thân bằng những ràng buộc Thánh, tạm hay gọi trọn đời, hoặc dứt khoát, thì thuộc về các Bề trên cao cấp cùng Ban Cố Vấn, chiếu theo hiến pháp (Đ. 720).
Nhận những người sau đây vào kỳ thử đầu là bất thành:
+ Chưa tới tuổi trưởng thành.
+ Người hiện còn mắc lời khấn trong Tu hội tận hiến, hoặc đã gia nhập một Tu hội tông đồ
+ Người phối ngẫu bao lâu còn cuộc hôn nhân. (Đ.721,1).
Hiến pháp có thể đặt ra những ngăn trở khác nữa đối với việc thâu nhận cả về phương diện thành sự, hoặc đặt thêm những điều kiện. (Đ.721,2).
Lại nữa, để được nhận vào tu, đương sự phải có sự trưởng thành cần thiết để sống cuộc đời riêng của Tu hội (Đ. 721,3).
Vì những khó khăn đặc biệt của cách sống tận hiến này, cho nên cần phải có những gì đòi hỏi gắt gao hơn về sự trưởng thành, hơn cả đối với việc bước vào đời sống tu sĩ:
Tuổi trưởng thành theo pháp luật (Đ. 721,1), thay vì 17 tuổi đối với việc vào nhà Tập các Dòng.
Bắt buộc thử ít là 3 năm (Đ. 722, 3), trong khi thời Tập Tu theo Giáo Luật là 1 năm.
Thời gian gia nhập tạm kéo dài ít là 5 năm (Đ. 723), thay vì 3 năm đối với các Tu sĩ.
Đối với các Tu hội đời, người ta không đề cập tới “tuyên khấn” nhưng nói là “gia nhập”trước là tạm, rồi trọn đời hoặc “dứt khoát”(Đ.723,2,3,4). Thay vì “lời khấn” người ta dùng danh từ rộng hơn “Các ràng buộc Thánh” (Đ. 712; 723,1 và 724,1).
Đây cũng có thể là những lời khấn, không như của Tu sĩ, nhưng cũng có thể là những cách dấn thân khác: quyết tâm, lời hứa, v.v… vì các ràng buộc có tính chất “Thánh” nên được dâng lên Thiên Chúa.
KỲ THỬ ĐẦU phải tổ chức sao cho các ứng viên rõ hơn ơn thiên triệu của họ, cũng là ơn riêng của Tu hội, và để họ được đào tạo theo tinh thần và lối sống của Tu hội (Đ. 722,1).
Các ứng viên phải được đào tạo đúng cách để sống một cuộc đời theo các lời khuyên của Phúc âm, và hiến tất cả vào việc Tông đồ, bằng cách sử dụng các hình thức rao giảng Phúc âm thích ứng hơn với mục đích, tinh thần và đặc tính của Tu hội (Đ. 722,2).
Các Hiến pháp phải ấn định các thể thức của việc thử này cũng như thời gian thử trước khi kết ước những ràng buộc đầu tiên trong Tu hội; thời gian này sẽ không dưới hai năm (Đ 722,3)
Hết thời gian thử đầu, ứng viên nào được nhận xét là xứng hợp, phải tuân giữ 3 lời khuyên của Phúc âm được đóng ấn bằng một ràng buộc Thánh; nếu không, người đó sẽ rời bỏ Tu hội (Đ. 723,3).
Theo Hiến pháp, sự GIA NHẬP LẦN ĐẦU này sẽ tạm thời và sẽ kéo dài ít là 5 năm (Đ. 723,2).
Hết thời gian gia nhập này, thành viên được xét là xứng hợp sẽ được nhận cho gia nhập trọn đời hoặc cho gia nhập dứt khoát, bằng những ràng buộc tạm thời phải được lập lại mãi (Đ. 723,3).
SỰ GIA NHẬP DỨT KHOÁT được coi là ngang bằng với sự gia nhập trọn đời xét về một số hiệu quả pháp lý cần được xác định trong hiến pháp (Đ. 723,4).
Sau khi các ràng buộc thánh đầu tiên đã được kết ước, việc đào tạo phải được kết nối liên tục theo hiến pháp (Đ. 724,1).
Các thành viên phải được đào tạo một trật cả về đạo lẫn về đời; các Bề trên Tu hội phải hết sức lưu tâm đến việc đào tạo tinh thần thường xuyên cho các thành viên (Đ. 724,2).
Cũng như Tu hội Dòng, các Tu hội đời có thể nhận các tín hữu hợp tác với mình trong sứ mạng của mình.
Bằng một ràng buộc do hiến pháp ấn định, Tu hội có thể kết nạp những tín hữu khác muốn tiến tới bậc trọn lành theo tinh thần của Tu hội và tham gia vào sứ mạng của Tu hội ( Đ. 725).
RA KHỎI TU HỘI:
Về bản chất, các điều kiện về việc ra khỏi Tu hội đời cũng giống như ra khỏi Tu hội Dòng.
Hết thời hạn gia nhập tạm thời, thành viên có thể tự do rời bỏ Tu hội, hoặc bị loại ra không được lập lại những ràng buộc thánh, vì một lý do chính đáng, bởi Bề trên cao cấp sau khi tham khảo ý kiến Ban Cố Vấn (Đ. 726,1).
Thành viên đã được gia nhập tạm thời mà tự ý xin vì lý do quan trọng, thì có thể được Bề trên Cả với sự ưng thuận của Ban Cố Vấn cho phép xuất tu (Đ. 726,2).
Thành viên nào đã gia nhập vĩnh viễn muốn ra khỏi Tu hội, sau khi cân nhắc kỹ và chín chắn trước mặt Chúa, người đó sẽ xin Toà Thánh, thông qua Bề trên Cả cho phép xuất tu, nếu Tu hội thuộc Toà Thánh; nếu không, sẽ xin với Đức Giám mục Giáo Phận như ấn định trong hiến pháp (Đ. 727,1).
Nếu là Giáo sĩ gia nhập Tu hội, thì phải giữ các quy định của điều luật 693 (Đ. 727,2).
Do việc ban phép xuất tu hợp pháp, tất cả các ràng buộc cũng như các quyền lợi và nghĩa vụ trong Tu hội đều chấm dứt (Đ. 728).
Thành viên bị loại khỏi Tu hội chiếu theo các điều luật 694 và 659, lại nữa, hiến pháp phải ấn định những nguyên nhân khác để sa thải, nghĩa là tương đối nghiêm trọng có thể buộc tội và chứng minh theo pháp luật và phải giữ thể thức tiến hành đã được ấn định trong các điều 697- 700. đối với các thành viên bị loại, sẽ áp dụng các quy định của điều 701 (Đ. 729).
SANG TU HỘI KHÁC:
Thành viên Tu hội đời muốn qua Tu hội đời khác phải giữ những quy định của các điều 684, 1, 2, 4, và 685; nếu chuyển qua một Tu hội Dòng hoặc Hội tông đồ, hoặc từ các Tu hội này sang Tu hội đời, buộc phải có phép Toà Thánh, và phải tuân theo các chỉ thị của Toà Thánh (Đ. 730).
CÂU HỎI THẢO LUẬN
1. Giáo luật định nghĩa thế nào là Tu hội đời?
2. Đâu là nét đặc thù của Tu hội đời?
3. Tu hội đời hoạt động tông đồ thế nào?
4. Việc quản trị nhân sự và tài chánh trong Tu hội được tổ chức thế nào?
5. Phải thâu nhận và đào tạo các thành viên thế nào?
6. Việc khấn hứa trong Tu hội đời có khác việc khấn hứa trong các dòng tu? Kể ra những điểm khác biệt.
7. Giáo luật quy định thế nào về việc chuyển hoặc xuất tu của các thành viên Tu hội đời?
» Trở lại trang chính sách giáo lý đời tu.