Đời sống tận hiến luôn được Giáo Hội giảng dạy, được Giáo Hội công nhận một cách chính thức công khai, và được Giáo Hội bảo vệ và phát triển với những quy luật mà một số rất khắc khe, một số khác khá uyển chuyển để thích nghi với thời gian. Đời sống tận hiến nói trên đã có một lịch sử lâu dài bắt đầu vơi chính Chúa Giêsu.
1/ Người đã giảng dạy về sự tận hiến một cách rõ rệt
“Nếu ai muốn đi sau Ta nghĩa là muốn theo làm môn đệ Ta thì hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình mỗi ngày và hãy theo Ta”. (Lc 9,23: Mt 16,4; Mc 8,34)
a/ Như vậy đời sống Kitô hữu nói chung và đời sống trọn lành bằng tận hiến nói riêng gồm hai tâm chất cơ bản và tương ứng thâu nhập vào nhau, làm nguồn cảm hứng cho mọi hành vi của ta. Đó là: chối bỏ chính mình và cương quyết muốn bắt chước Chúa Giêsu. Mỗi ngày mỗi từ bỏ những gì trong ta và ngoài ta nghịch với sự thiện và theo Chúa Giêsu sát gần bao nhiêu có thể, đó là luật sự trọn lành. Ta thuộc về Chúa Giêsu theo mức độ ta từ bỏ mình, càng từ bỏ mình thì càng thuộc về Chúa Giêsu hơn. Khổ giá Chúa nói ở đây là một hình ảnh diễn tả sự cần thiết phải cương quyết từ bỏ. Khẩn thiết, vì sau tội tổ tông, con người phải chiến đấu chống lại những khuynh hướng lăng loàn của môt bản tính đã đi trệch đường. Nhưng con người không chỉ có những thù địch ở bên trong, mà bên ngoài họ cũng phải đương đầu với những quyến rũ của ma quỷ, của thế gian. Đó là những gương mù làm ta dễ vấp phạm mà Chúa Giêsu đã chúc dữ: “Khốn cho thế gian vì những cớ vấp phạm” (Lc 8,12)
Tất nhiên cớ vấp phạm phải đến, song khốn cho ai làm dịp cho người ta vấp phạm. Thái độ của Chúa Giêsu đương đầu với cám dỗ mặc dầu không có gì đáng lo ngại đối với Người, dạy cho tín hữu biết họ phải cư xử cách nào trong những trường hợp nguy hiểm ấy để chiến thắng kẻ thù.
b/ Nhưng việc từ bỏ theo Chúa Giêsu có nhiều cấp. Trước hết tất cả mọi tín hữu phải khước từ tình yêu lăng loàn đối với các thụ tạo, một tình yêu làm nên những tội nặng, và như vậy tất cả phải chối bỏ những điều cấm làm. Nhưng ai muốn nên trọn lành hơn còn phải khước từ những điều được phép làm nữa. Chỉ chối bỏ những gì luật Chúa Giêsu cấm, có nghĩa là tôn trọng những giới răn của nền đạo đức theo Tin Mừng và đó là đời sống Kitô hữu tối thiểu và tuyệt đối cần để đựơc cứu rỗi. Nhưng chưa phải là theo đuổi bậc trọn lành cao cấp hơn. Chính Chúa Kitô đã phân biệt hai cấp khươc từ như trên khi Ngài đối thoại với chàng thanh niên giàu có (Mc 10,17-22), về thái độ đối với của cải. Sau này, thánh Phaolô cũng phân biệt như thế khi nói về hôn nhân: “cưới là làm phải” và độc thân khiết tịnh “không cưới sẽ làm phải hơn” (Cr 7,8).
c/ Việc khước từ thuộc cấp hai (tức cao cấp hơn) là đặc sủng dành cho một số ít người mang theo hai đặc tính: Trước hết nó có tính toàn diện. “Cùng đi đàng với Ngài có dân chúng đông đảo, Ngài quay lại bảo họ. Kẻ nào đến với Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con cái anh chị em mình và cả mạng sống mình nữa, ắt không thể làm môn đồ của Ta. Phàm ai không vác khổ giá mình mà đi sau Ta, ắt không thể làm môn đồ của Ta” (Lc 14,25-27). Ghét ở đây là kiểu nói Do Thái dùng để diễn tả một sự từ bỏ toàn diện và tức khắc không do dự. Kiểu nói phai được hiểu theo văn bản của Matthêu: “Kẻ yêu cha mẹ hơn Ta, ắt không xứng với Ta. Kẻ yêu con trai con gái hơn Ta ắt không xứng với Ta…” (Mt 10, 37-38). Nói khác Chúa Giêsu dạy việc khước từ hôn nhân chính đáng cũng thuộc cấp cao hơn ( Xem Công đồng Tridentô, khóa 24, khoản 10) và chỉ một số ít người nhận được ơn đặc biệt mới làm được. (xem Mt 19, 11-12)
Việc khước từ toàn diện phải thực sự khước từ xét theo bề ngoài nữa. Khước từ bằng tinh thần mà thôi chưa đủ, phải thực sự khước từ. Nhiều Giáo phụ đã hiểu những Lời Chúa Giêsu trên đây theo nghĩa này (Thánh Giêrônimô, thư 130, số 14; Th. Ambrosiô De Oficiis I,11…). Khước từ bằng tinh thần có nghĩa là sẵn sàng yêu Chúa Giêsu trên hết mọi sự thế gian, nếu Người đòi hỏi như vậy và đó là sự trọn lành chung cho mọi Kitô hữu. Sự trọn lành cấp cao hơn đòi hỏi phải thực sự khước từ tất cả. Phải chăng đây là ý nghĩa của câu Luca 6,26; “Phúc cho những người nghèo khó”, khác với câu của Mt: “Phúc cho những kẻ có tinh thần nghèo khó” (5,3)
2/ Chúa Giêsu: gương mẫu tuyệt vời đời sống tận hiến.
Người chẳng những đã dạy ta sống đời tận hiến. Người còn làm gương cho ta bắt chước (xem Ga 13, 15; 1P 2,21). Từ hang Bêlem cho tơi Núi Sọ. Người đã sống môt cuộc đời siêu thoát đối với tất cả những gì thuộc về thế gian. “Cáo có hang, chim trời có tổ; nhưng con người không có chỗ dựa đầu” (Lc 9,58; Mt 8, 20). Trên thánh giá, sự siêu thoát đã đạt tới đỉnh cao chót vót và hết mức vẹn toàn.
Người hoàn toàn phục tùng Chúa Cha, mặc dầu Người ý thức Người cũng là Thiên Chúa. Người chỉ biết vâng cho đến giọt máu cuối cùng và trước bất cứ hy sinh nào (Phil 2,5-11). Người không làm gì tự ý Người. Người không tìm ý riêng Người (Ga 5,30). “Ta luôn làm điều đẹp lòng Cha Ta” (Ga 8,29). Người tuân phục cả người ta nữa: “Người đã xuống với ông bà về Nazareth. Và Người tùng phục hai ông bà” (Lc 2,51). Người tuân giữ những luật chính đáng của Maisen thuộc giao ước cũ: chịu cắt bì (Lc 2,21), dự lễ Vượt qua khi đến tuổi (Lc 2,41), đóng thuế đền thờ (Mt 17,24; Lc 9,43), công nhận quyền bính người đời đối với Người (Ga 19,11)…
Chúa Giêsu sinh ra từ một người mẹ trọn đời đồng trinh (Lc 2,21; Mt 1,18-23); được nuôi dưỡng bằng việc làm của một nghĩa phụ khiết tịnh (Mt 1,24-25); đã chọn một người bạn hữu khiết tịnh, là Thánh Gioan Tông đồ, và trước khi tắt thở đã trối mẹ đồng trinh cho người bạn hữu khiết tịnh ấy. (Ga 19,25-27). Chính Người đã chọn sống đời độc thân khiết tịnh như Người đã khuyên (Mt 19,12) để trở thành vị Tân Lang của mọi tâm hồn (Mt 9,15; 25,1; Ga 3,29).
3/ Sống tận hiến là sống như Chúa Giêsu đã sống.
Đời sống Kitô hữu là kết quả sự cộng tác của hai bên về phía Thiên Chúa, Ngài đúc nặn ta theo hình ảnh Con Ngài. Về phía ta, ta cố gắng vẽ lại hình ảnh đó trong ta. Xét về phía ta thì công việc thánh hoá chính mình có nghĩa là bắt chước Chúa Giêsu vừa là tác giả vừa là gương mẫu đời tận hiến. Mỗi người Kitô hữu là thành viên của nhiệm thể Đức Kitô, phải cố gắng thực hiện hình ảnh Ngài một cách hoàn hảo bao nhiêu có thể, nếu họ muốn trung thành với ơn gọi Kitô hữu. Nhưng những tâm hồn tận hiến khấn hứa thực hiện hình ảnh nói trên một cách hoàn hảo nhất.
a. Trước hết người tận hiến phải có những tâm tình như Chúa Giêsu như Thánh Phaolô khuyên dạy “Anh em hãy có nơi anh em tâm tư như đã có trong Đức Kitô Giêsu” (Phil 2,5). Tâm tư ở đây không chỉ tâm tình mà thôi mà chỉ toàn diện đời sống tâm linh gồm sinh hoạt tri thức, ý chí và tình cảm. Dĩ nhiên những hành động bên ngoài bộc lộ những tâm tư bên trong. Nên, nếu ta suy nghĩ như Chúa Giêsu ta cũng sẽ hành động như Người.
b. Người tận hiến sẽ chiêm ngưỡng Đức Kitô trong những hoàn cảnh rất khác nhau của đời Người, để kiếm tìm trong đó những tâm tư của Người đã có trong những trường hợp ấy, rồi sắm lấy những tâm tư ấy cho mình. Như vậy cả hoạt động bên trong lẫn bên ngoài của họ sẽ hợp với tâm tình và hành động của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô đã dùng những kiểu nói khá cụ thể để diễn tả việc bắt chước Chúa như trên. Người tận hiến phải mặc lấy Chúa Giêsu và hình thành Chúa Giêsu trong chính mình họ: “Này anh em con cái của tôi, những kẻ tôi lại quặn đau mà sinh ra mãi đến khi nào Đức Kitô được hình thành trong anh em Chúa Giêsu hình thành trong ta, tuần tự lớn lên theo mức độ ta cộng tác vào hành động của ân sủng. Mỗi cấp bậc tương ứng với tuổi tác khác nhau của Đức Kitô. Nơi Người tân tòng bình thường, Chúa Giêsu mới ở tuổi hài nhi. Nơi người Kitô hữu bình thường Ngài lớn lên tuỳ như họ tiến tới trên đường nhân đức. Người tận hiến qua ba lời khấn tuân giữ những lời khuyên của Tin Mừng, được gọi để trở nên trọn lành, nghĩa là để đạt tới tình trạng của một thành nhân đứng tuổi “đạt đến tầm vóc xứng với sự viên mãn của Đức Kitô (Eph 4,13).
Chính sự ước muốn trở nên trọn lành như trên là ơn gọi của một đời tận hiến tự nguyện cam kết sống trước mặt Chúa và Giáo Hội, để Đức Kitô trở thành đời sống của họ và để họ có thể nói với các tín hữu khác như Thánh Phaolô đã nói với các tín hữu Côrintô: “Anh em hãy theo gương tôi cũng như tôi theo gương Đức Kitô” (1 Cr 11,1)
CÂU HỎI THẢO LUẬN
1. Chúa Giêsu đã dạy về đời sống thánh hiến thế nào ?
2. Để làm gương cho ta, Chúa Giêsu đã sống đời thánh hiến như thế nào ?
3. Ta phải sống ơn gọi thánh hiến như thế nào ?
» Trở lại trang chính sách giáo lý đời tu.