Chương 1: Nói Chung Về Đời Sống Tận Hiến | CôngGiáo.org
≡ Menu

Chương 1: Nói Chung Về Đời Sống Tận Hiến

Thiên Chúa tạo dựng nên nhân loại nói chung và mỗi người nói riêng, là cùng một lúc gởi tới họ một lời mời gọi và mong họ tự nguyện đáp trả lại, do bản chất tự do, Ngài đã muốn phú bẩm cho con người. Tương quan giữa Thiên Chúa và con người là tương quan tình yêu. Ngài không áp đặt, nhưng Ngài đề nghị sáng kiến và con người được mời gọi trả lời chấp nhận sáng kiến đó. Sự chấp nhận này vừa tôn trọng quyền tối cao của Thiên Chúa vừa mang lại hạnh phúc cho con người. Nhưng vì lạm dụng tự do, con người đã hất hủi sáng kiến nói trên tức là đã phạm tội. Tuy nhiên Thiên Chúa vẫn yêu loài người nên đã hoạch định một chương trình cứu độ do Đức Kito thực hiện. Từ nay nhân loại nói chung và mỗi người nói riêng phải qua Đức Kitô mới hoà giải lại được với Thiên Chúa và thực hiện ơn gọi kết hợp với Ngài.

Sau đây ta tìm hiểu các ơn gọi mà Thiên Chúa đã gởi tới con người qua Đức Kitô.

1. ƠN GỌI VÀ CÁC ƠN GỌI

1/ Nhìn tổng quát chỉ có một ơn gọi đó là ơn Chúa gọi ta kết hợp vĩnh viễn với Chúa. Nói cách cụ thể và theo nhiệm cục Cứu độ Thiên Chúa đã mạc khải, con người chỉ có một mục đích duy nhất và cũng chỉ có một ơn gọi duy nhất là đời đời yêu Chúa trong một hạnh phúc vĩnh viễn và bất diệt, điều mà Thánh Gioan gọi là sự sống hay là sự sống vĩnh cửu. Ngoài ra không còn mục đích và ơn gọi nào khác.

2/ Ơn gọi duy nhất nói trên có tính siêu nhiên.

Siêu nhiên nơi nguồn gốc vì chính Thiên Chúa đã kêu gọi.
Siêu nhiên nơi bản chất vì sự kết hiệp với Thiên Chúa vượt quá mọi khả năng tự nhiên của con người.

Siêu nhiên nơi phương tiện; vì con người chỉ đạt được qua những phương tiện siêu nhiên: cầu nguyện, hy sinh, tiếp nhận các Bí Tích, nhất là Bích Tích Thánh Thể.

3/ Ơn gọi nói trên còn có tính chung cuộc. Ta chỉ đạt được tình yêu vĩnh viễn giữa Thiên Chúa và ta vào thời hậu thế khi lịch sử mỗi người hoặc lịch sử chung nhân loại đã hạ màn. Dĩ nhiên khi ta có ơn nghĩa với Chúa ở đời này là kết hợp với Ngài và hưởng hạnh phúc Ngài ban cho. Nhưng ta vẫn còn phải sống trong niềm tin và trong sự lo sợ có thể một hay nhiều ơn gọi khác nhau hoặc từng người có mất ơn nghĩa với Chúa được. Tính chung cuộc này còn có nghĩa là ơn gọi kết hợp vĩnh viễn với Thiên Chúa là mục đích tất cả các ơn gọi khác phải hướng về, như là những phương tiện. Các ơn gọi khác này có rất nhiều hoặc mỗi người có những ơn gọi mỗi lúc mỗi khác. Nhưng hết thảy đều hướng về ơn gọi chung cuộc nói ở trên.

II. BA ƠN GỌI THEO ĐỨC KITÔ

Hiện giờ có ba ơn gọi bao quát như là phương tiện để đạt tới hạnh phúc siêu nhiên mà tất cả mọi người đã được gọi để thụ hưởng trong tình yêu Thiên Chúa. Đó là ơn gọi làm người, ơn gọi làm kitô hữu, và ơn gọi tu trì trong đời sống tận hiến. Cả ba ơn gọi này liên kết chặt chẽ với nhau. Nhưng trong thực tế và nhìn bề ngoài ta có thể thấy có những kẻ chỉ làm người mà không là kitô hữu và có những kẻ làm kitô hữu lại không là tu trì trong đời sống tận hiến.

1/ Ơn gọi làm người

Mọi loài trên trời dưới đất đều do Chúa tạo dựng, đặc biệt là con người. Đọc sách Khởi nguyên ta thấy Thiên Chúa dựng nên trời đất, tinh tú, cây cối và súc vật. Xong đâu đấy rồi, Ngài mới dựng nên Adong, Evà và đặt họ vào đó để họ khống chế mọi loài như là một vị tiểu vương trong vũ trụ:

a/ Con người đã được dựng nên cả xác lẫn hồn, với trí năng hiểu biết, ý chí tự do và tình cảm bén nhạy, để nhìn nhận Thiên Chúa là nguyên thuỷ và tin yêu Người là mục đích của đời mình. Với thành tâm thiện chí qua những công trình sáng tạo của Thiên Chúa họ cũng có thể nhìn ngắm được Thiên Chúa, nhận ra quyền năng và thần tính của Người (xem Rm 1,19… ). Đồng thời ân sủng luôn tác động trong họ, họ nhìn vũ trụ không phải chỉ bằng lý trí mà còn do một niềm tin chấp nhận một cách kín cẩn sứ điệp của Thiên Chúa ban ra qua những công trình của Người. Thái độ trên đây mang theo một tâm trạng luôn luôn sẵn sàng đón nhận lời Thiên Chúa. Lời Chúa nói đây theo tác giả thư Do Thái chỉ gồm có hai khoản đó là tin Người hiện hữu và Người thưởng công những ai tìm kiếm Người (Dt 11,6).

b/ Con người bất cứ ở thời đại và nơi nào, tuyệt đối cần phải tin hai khoản giáo lý nói trên. Đối với những người chưa phải là kitô hữu tức là chưa tin vào Phúc Âm, Thiên Chúa có thể coi niềm tin nói trên là đủ. Do đó ta không nên thất vọng về ơn gọi (sống hạnh phúc vĩnh viễn với Thiên Chúa) của những người chưa được biết Tin Mừng và chưa được rửa tội. Tuy nhiên, số phận nói trên rất bấp bênh và chắc chắn không thuận lợi cho việc cứu độ bằng một niềm tin minh nhiên vào Chúa Kitô, kèm theo việc thuộc về Giáo Hội một cách hữu hình. Do đó xuất hiện một ơn gọi khác: Đó là ơn gọi làm Kitô hữu.

2/ Ơn gọi làm Kitô hữu

Theo ý định cụ thể của Thiên Chúa, Ngài chỉ gọi ta một cách chung cuộc để kết hợp ta vĩnh viễn với Ngài, qua Chúa Giêsu là môi giới duy nhất. Do đó Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi thì hoặc mặc nhiên hoặc minh nhiên Ngài gọi ta làm Kitô hữu, để ta đồng hoá với Đức Kitô là Con thật của Ngài, và như vậy ta trở thành những người con trong Con của Ngài. Ơn gọi làm Kitô hữu là phương tiện chắc chắn nhất, hữu hiệu nhất để ta nhận được ơn gọi chung cuộc hưởng hạnh phúc với Chúa.

a/ Trước hết do việc Ngài mạc khải Thiên Chúa cho ta. Trong các tôn giáo không do mạc khải siêu nhiên người ta cũng thấy những cố gắng phi thường của các hiền nhân quân tử muốn biết Thiên Chúa và hiệp thông với Ngài. Nhưng chỉ Đức Kitô đã thoả mãn được ước muốn nói trên bằng cách mạc khải cho ta biết những gì vượt tầm khả năng của lý trí, như biết Thiên Chúa là Cha, biết Ngôi Con nhập thể, biết Đức Kitô kết hợp với Cha, biết ta nên anh em với nhau trong Đức Kitô, biết không có gì giá trị tuyệt đối ngoài Nước Thiên Chúa và làm công dân trong nước đó.

b/ Ơn gọi làm Kitô hữu còn là: Thiên Chúa ban cho ta tin vào Đức Kitô, hy vọng vào Đức Kito và yêu mến Đức Kitô. Tất cả ba thái độ tin, cậy, mến giúp ta luôn chấp nhận Thánh Ý Thiên Chúa được biểu lộ qua sứ điệp và đời sống của Đức Kitô. Đáp lại ơn gọi nói trên, ta phải có một niềm tin cam kết dấn cả cuộc đời vào việc giữ giới răn của Thiên Chúa nhất là giới răn bác ái. Tuy nhiên sứ điệp và đời sống Chúa Giêsu còn nêu cho ta những nhân đức xán lạn để một số tâm hồn quảng đại nào đó tin, cậy, mến Đức Kitô trên một mức độ cao hơn. Đó là ơn gọi sống đời tận hiến trong bậc tu trì (Tu dòng, Tu hội) hoặc trong bậc giáo sĩ.

3/ Ơn gọi sống đời tận hiến

Nói chung ơn gọi này có nghĩa là dâng hết bản thân mình cho bản thân Đức Kitô, với một tình yêu không mặc cả, không so đo, không giữ lại cho mình một phần nào ơn gọi này là, được diễm phúc chẳng những tuân theo tất cả những gì Đức Kitô truyền, mà còn sống theo những gì Người đã khuyên và hơn nữa, sống như chính Người đã sống. Đi vào con đường tận hiến, chúng ta có hẳn một lý tưởng cụ thể được thực hiện một cách trọn vẹn nơi Đức Kitô. Người vừa là gương mẫu, một gương mẫu đầy hấp dẫn, vừa là sức mạnh cho những tâm hồn tận hiến như chúng ta, nếu chúng ta quảng đại đáp lời đầy yêu thương của Chúa Cha đang mời gọi theo Chúa Kitô và để Chúa Kitô sống trong ta.

Theo nghĩa Tin Mừng, trong Tin Mừng Nhất Lãm cũng như Tin Mừng theo thánh Gioan, đi theo Chúa Giêsu là một động từ tôn giáo luôn diễn tả cuộc sống khăng khít với chính bản thân Chúa Giêsu (Mc 1,18; 2,14; 8,34; 10,21, 28; Mt 8,19; 10,38; Lc 9,59,61; 18,22; Ga 1.44; 8,12; 12,26; 13,36-37…),

a/ Sự kiện theo Chúa Kitô, trước hết bao gồm mọi sự đoạn tuyệt với quá khứ, với thế gian, với ma quỷ, với xác thịt. Và nếu là trường hợp của những tâm hồn được Chúa đặc biệt kêu gọi như nhóm 12 Tông đồ, thì sự đoạn tuyệt nói trên phải có tính toàn diện. Đó là khía cạnh tiêu cực của những ai muốn làm môn đệ theo Chúa. Tích cực, họ phải rập khuôn đời sống của họ vào đời sống Chúa Giêsu, nghe những lời Ngài dạy, đồng thời sống theo đó, luôn luôn nhớ đến ơn lành của Ngài. (Mc 8,34-35; 10,42-45; Ga. 12,26)

b/ Theo Chúa Giêsu còn có nghĩa là số phận của những tâm hồn tận hiến theo Người nối liền với số phận của Chúa Giêsu, như trường hợp nhóm 12 tông đồ. Trước hết Người đặt họ làm những người cộng tác thân mật trong việc lập Nước Thiên Chúa. Thứ đến khi Người tiên báo sẽ thụ nạn ở Giêrusalem, Người dạy cho các tông đồ biết rằng đến lượt họ phải vác thập giá mình, nếu họ muốn theo Người (Mc 6,34-38; 9,35-45; Ga 12,23-25; 13,13-16). Như vậy, theo Chúa Giêsu là chấp nhận một cuộc liều mạng lớn lao và Chúa đã nói rõ cho các môn đệ Ngài biết đời sống thực tế đầy hy sinh và đau khổ chờ đợi họ.

c/ Nhưng theo Chúa Giêsu trong đời tận hiến còn có nghĩa là thông phần những đặc ân của Người nữa. Điều này được Người nhấn mạnh nhiều lần. Chúa Giêsu là Chúa của hậu thế, những người theo Người cũng sẽ thông phần chức Chúa tể của Người. Những gì họ phải từ bỏ trong phạm vi của cải, gia đình… đều được bù trừ ngay ở hiện thế bằng những của thiêng liêng gấp trăm lần và trong đời hậu thế bằng cuộc sống vinh hiển đời đời bất tận. (Mt 19,28-29;26,29; Lc. 22,28-30; Ga,12,26)

CÂU HỎI THẢO LUẬN

1/ Có mấy thứ ơn gọi?
2/ Vì sao ơn gọi có tính siêu nhiên?
3/ Ơn gọi làm người là gì?
4/ Ơn gọi làm Kitô hữu là gì ? Có những đặc tính gì?
5/ Theo Chúa Giêsu nghĩa là gì? Có những đặc điểm gì?


 
» Trở lại trang chính sách giáo lý đời tu.

{ 0 comments… add one }

Leave a Comment